11:02, 21/02/2016

Chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika

Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã có các bước chuẩn bị nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh (nếu có).

Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã có các bước chuẩn bị nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh (nếu có).


Đẩy mạnh kiểm dịch y tế quốc tế


Nhận được thông tin chuyến bay của hãng hàng không Nord Wind Airlines (Nga) sẽ hạ cánh ở Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh lúc 10 giờ 30 phút ngày 19-2, 5 kiểm dịch viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh đã có mặt tại khu vực nhập cảnh để tiến hành kiểm dịch y tế. Khu vực cách ly bên cạnh được bố trí sẵn các phương tiện, trang thiết bị để khi phát hiện hành khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika thì sẽ tiến hành cách ly và thực hiện xử lý y tế. Sau gần 1 tiếng đồng hồ kiểm tra, đo thân nhiệt của hơn 390 hành khách và phi hành đoàn, kết quả tất cả đều bình thường, không có hành khách nào có biểu hiện của sốt. Hàng hóa, thực phẩm trên chuyến bay đều đạt điều kiện vệ sinh, không có dấu hiệu phơi nhiễm bệnh dịch.  

 

Các kiểm dịch viên kiểm tra thân nhiệt hành khách
Các kiểm dịch viên kiểm tra thân nhiệt hành khách


Bác sĩ Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh cho biết: “Hiện nay, tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh không có các chuyến bay trực tiếp đi, đến các nước châu Mỹ và những nước có yếu tố dịch tễ bệnh do vi rút Zika. Trung bình hàng tuần có khoảng 210 chuyến bay quốc tế xuất nhập cảnh từ các nước: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc với hàng chục ngàn lượt khách. Riêng các cảng hàng hải có 1 - 2 chuyến tàu quốc tế xuất nhập trong ngày đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Tuy vậy, nguy cơ bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu vẫn rất lớn do một số khách du lịch đi nhiều nước ở Đông Nam Á, châu Mỹ… trước khi đến Việt Nam. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận hành khách nhập cảnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika”.


Thực hiện công tác phòng, chống vi rút Zika tại cửa khẩu, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh đã tuyên truyền phòng, chống bệnh do vi rút Zika tại các cửa khẩu bằng tờ rơi, dán poster, treo panô; triển khai tập huấn, cập nhật thông tin cho kiểm dịch viên về quy trình kiểm dịch, phác đồ điều trị, giám sát phòng, chống dịch bệnh Zika. Ngoài ra, trung tâm chủ động liên hệ với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xử lý y tế nhằm giảm mật độ muỗi; thông báo đến các đơn vị có liên quan danh sách các quốc gia đang có dịch, triệu chứng, các dấu hiệu liên quan của bệnh để phối hợp với trung tâm trong việc giám sát phát hiện hành khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống bệnh dịch với 3 phương án.


Bên cạnh đó, trung tâm còn tăng cường nhân lực, bố trí 1 - 2 kiểm dịch viên trực 24/24 giờ tại các cảng hàng hải, riêng tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có từ 4 đến 5 kiểm dịch viên giám sát. Trung tâm cũng thành lập đội phòng, chống dịch cơ động để hỗ trợ phòng, chống dịch tại khu vực các cửa khẩu; trang bị đầy đủ trang phục phòng hộ, hóa chất, máy phun phục vụ công tác kiểm dịch và xử lý y tế. Theo bác sĩ Hội: “Trung tâm chịu trách nhiệm phòng, chống dịch tại các cửa khẩu thuộc tỉnh gồm các cảng: Hyundai Vinashin, Nha Trang, Cam Ranh, Đầm Môn, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Cảng Ninh Chữ - Ninh Thuận, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Hiện nay, trung tâm đã được trang bị 4 máy đo thân nhiệt từ xa và 10 máy đo thân nhiệt cầm tay, nhưng so với lưu lượng khách quốc tế xuất nhập cảnh hiện nay, trung tâm cần được đầu tư thêm máy đo thân nhiệt từ xa”.


Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch      


Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Zika cùng với dịch bệnh MERS CoV, sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt lưu ý những người đi về từ các quốc gia có dịch bệnh MERS-CoV và Zika nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cách ly. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các bệnh viện và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và các cơ sở y tế đối với các ca bệnh sốt xuất huyết, ca nghi ngờ mắc MERS-CoV và Zika; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch. Ngoài ra, các đội cơ động phòng, chống dịch sẵn sàng kịp thời triển khai hoạt động nếu có dịch xảy ra. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng… 

 
BV Bệnh nhiệt đới cũng đã có thông báo và phân công nhiệm vụ cho từng khoa, phòng của BV về việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh này. “Các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika có tiền sử đi về từ vùng có dịch vào khám và điều trị tại BV sẽ được giám sát chặt chẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. BV đã chuẩn bị khu vực cách ly, vị trí đậu xe, lối di chuyển cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc bệnh Zika” - bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết.


T.L


 



Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) gây ra, có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. 80% trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng, nếu mắc bệnh thường hồi phục hoàn toàn.


Đến nay, dịch bệnh do vi rút Zika đã lan sang 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu ở khu vực châu Mỹ Latinh, Thái Lan đã công bố có dịch. Hiện nay chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu; biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện như phòng, chống dịch sốt xuất huyết (diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi Aedes, phòng tránh muỗi đốt).


Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tới cuối năm 2016 sẽ có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi loại vi rút này, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Mỹ Latinh, châu Phi và Thái Bình Dương.