11:05, 31/05/2013

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thiết lập các dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ… là các hoạt động của Dự án Alive & Thrive (viết tắt là A&T) nhằm góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thiết lập các dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ… là các hoạt động của Dự án Alive & Thrive (viết tắt là A&T) nhằm góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em trên địa bàn tỉnh.


Tư vấn cách nuôi con


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ “Mặt trời bé thơ” đặt tại các Trạm Y tế ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Hàng ngày, có khá nhiều bà mẹ đang mang thai hoặc có con dưới 2 tuổi đến những nơi này để được tư vấn về quá trình chuẩn bị làm mẹ, cách thức nuôi con dưới 2 tuổi.

 

Theo bà Nemat - Giám đốc Dự án A&T tại Việt Nam, năm 2013, Dự án sẽ tập trung vào việc vận động chính sách nhằm huy động sự tham gia của các cấp, ngành với mục tiêu tăng thêm nguồn ngân sách của địa phương chi cho hoạt động dinh dưỡng. Qua đó, thực hiện mục tiêu cải thiện tình trạng SDD thấp còi và sự phát triển của trẻ nhỏ từ 0 đến 2 tuổi ở Khánh Hòa.

Mang thai lần đầu tiên nên những kiến thức về nuôi con, chăm sóc trẻ đối với chị Nguyễn Thúy Hằng (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) vẫn còn rất lạ lẫm. Sau khi đi khám thai và được các bác sĩ ở phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ “Mặt trời bé thơ” của BVĐK tỉnh tư vấn, chị đã nắm bắt được rất nhiều kiến thức cần thiết như: nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cách quản lý ăn bổ sung khi trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi. Nhờ  đó, chị cảm thấy yên tâm hơn trong việc chuẩn bị cho ngày sinh cũng như quá trình nuôi con sau này. Chị Phạm Hải Hằng (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đang mang thai đứa con thứ hai cho biết: “Khi sinh con đầu lòng, do sữa mẹ ít nên tôi cho bé uống sữa bột từ lúc mới sinh và ăn dặm thêm ngay từ tháng thứ 3. Kinh nghiệm này do mẹ tôi truyền lại, tôi không biết ăn và uống bổ sung cho bé trong 6 tháng đầu là không tốt. Lần mang thai này, được các y, bác sĩ phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ “Mặt trời bé thơ” ở trạm y tế phường tư vấn, trang bị nhiều kiến thức bổ ích về việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý nên tôi cảm thấy tự tin hơn”.


Theo số liệu của Sở Y tế, bình quân hàng tháng, các phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ “Mặt trời bé thơ” thuộc Dự án A&T đã tư vấn cho khoảng 3.500 lượt sản phụ và bà mẹ có con dưới 2 tuổi.


Nhiều hoạt động thiết thực


Ðược Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, từ năm 2009, Dự án A&T được triển khai tại Khánh Hòa với mục tiêu tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ. Qua 5 năm triển khai thực hiện, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị, Dự án A&T còn hỗ trợ ngành Y tế trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng thông qua tờ rơi, áp phích, pano, tư vấn nhóm cho các bà mẹ... Ðặc biệt, năm 2010, Dự án còn thiết lập dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua mô hình phòng tư vấn “Mặt trời bé thơ” và xây dựng 93 nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại 31 thôn ở huyện Khánh Sơn, qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ SDD trẻ nhẹ cân toàn tỉnh từ 15,84% (năm 2009) xuống còn 10,51% (năm 2012), tỷ lệ bà mẹ cho trẻ bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh đạt 72% (cao hơn 10% so với tỷ lệ chung cả nước), trẻ được ăn bổ sung đúng, đủ đạt 57,8% (cao hơn 7% so với cả nước), các dịch vụ về cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh được tăng cường từ tuyến tỉnh đến cơ sở; tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài ra, các chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ được khám thai định kỳ, tỷ lệ phụ nữ sinh tại cơ sở y tế, được cán bộ y tế chăm sóc, được chăm sóc hậu sản… đều tăng theo từng năm.


Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Dự án đã giúp ngành Y tế giải quyết được nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Trong đó, quan trọng nhất là đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức, kỹ năng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Vì vậy, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng tăng lên đáng kể, cách nuôi con cũng hợp lý hơn, tình trạng SDD thể thấp còi ở trẻ đã có dấu hiệu giảm qua các năm.


BÁ NGHĨA