06:05, 28/05/2013

Cần được đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất

Phòng ốc chật hẹp, thiếu bác sĩ, trang thiết bị y tế… là thực trạng hiện nay ở các phòng khám đa khoa trên địa bàn  TP. Nha Trang.

Phòng ốc chật hẹp, thiếu bác sĩ (BS), trang thiết bị (TTB) y tế… là thực trạng hiện nay ở các phòng khám đa khoa (PKĐK) trên địa bàn  TP. Nha Trang.


Những ngày đầu tuần, tại PKĐK số 3 (đường Hoàng Văn Thụ), lượng bệnh nhân (BN) đến khám khá đông. Các ghế chờ đặt ở hành lang tầng trệt và tầng 1 đều chật kín người. BN đông khiến các y, BS làm việc không ngơi tay. BS Cao Thị Hiền - Trưởng PKĐK số 3 cho biết, phòng khám được xây dựng lại và đưa vào hoạt động từ năm 2000. Đây là khu vực trung tâm thành phố, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân các phường: Phương Sơn, Phương Sài, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Xương Huân, Ngọc Hiệp và các trường học, cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Ngoài khám chữa bệnh (KCB), phòng khám còn chịu trách nhiệm quản lý, hỗ trợ các trạm y tế trực thuộc; thực hiện công tác cấp cứu ngoại viện, cấp cứu hàng loạt và các bệnh lây nhiễm cấp tính. Phòng khám có 2 tổ chuyên khoa Lao và Phong, chịu trách nhiệm quản lý điều trị BN lao, phong toàn thành phố. “Tuy công việc nhiều nhưng nhân lực ở đây chỉ có 29 người, trong đó có 3 BS đa khoa, 2 BS chuyên khoa mắt và răng hàm mặt. Bình quân mỗi ngày, phòng khám thực hiện khám và điều trị cho hơn 300 BN; mỗi BS phải khám và điều trị cho gần 70 BN, gần gấp đôi so với quy chế của Bộ Y tế (mỗi BS khám và điều trị từ 35 đến 40 BN/ngày)” - BS Hiền nói.

Phòng khám đa khoa số 3 dùng hành lang làm nơi tiếp đón bệnh nhân.
Phòng khám đa khoa số 3 dùng hành lang làm nơi tiếp đón bệnh nhân.


Không chỉ thiếu nhân lực, TTB ở Phòng khám số 3 vừa thiếu vừa lạc hậu. Hiện nay, phòng khám chỉ được trang bị một số máy móc, trong đó, phần lớn là máy cũ như máy chụp X-Quang được sản xuất từ năm 1993 để thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng. Bên cạnh đó, do kết cấu xây dựng các phòng chập hẹp nên phòng khám gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí các phòng khám, xét nghiệm, điều trị… Những thiếu thốn trên đã làm cho công tác KCB của phòng khám bị hạn chế, số lượng BN phải chuyển lên tuyến trên khá cao, chiếm khoảng 30%.


Trong buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh mới đây, tại các PKĐK số 2 và số 4, đoàn giám sát cũng ghi nhận tình trạng tương tự. PKĐK số 4 (đường Võ Trứ) thực hiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn 5 phường (Phước Hòa, Phước Tiến, Tân Lập, Lộc Thọ, Phước Tân). Ngoài ra, phòng khám còn thực hiện chỉ đạo tuyến chuyên môn cho 5 trạm y tế. Bình quân mỗi ngày, phòng khám thực hiện khám và điều trị nội trú khoảng 250 người. Khối lượng công việc nhiều, nhưng số lượng cán bộ, nhân viên của phòng khám chỉ có 25 người, trong đó có 4 BS biên chế và 1 BS tăng cường tuyến phường làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, do phải thực hiện nhiều hoạt động khác nên thực chất mỗi ngày chỉ có khoảng 2 đến 3 BS làm việc. Bên cạnh khó khăn về nhân lực, tình trạng thiếu TTB y tế cũng làm cho công tác KCB ở phòng khám gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phòng khám chỉ được trang bị máy xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học, điện tim và siêu âm trắng đen. Tuy nhiên, các máy này đều đã cũ và thường xuyên hư hỏng. Trong khi đó, các phòng chật hẹp và thiếu nên PKĐK số 4 chưa triển khai được dịch vụ X-Quang, điện não đồ. Ngoài ra, theo chỉ tiêu, phòng khám được cấp 20 giường nhưng hiện nay, số giường tại phòng khám chỉ có 10 giường, trong đó một số giường đã hư hỏng.
PKĐK số 2 (đường 23-10) có 27 người, trong đó có 5 BS biên chế và 1 BS hợp đồng thời vụ. Mỗi ngày, phòng khám thực hiện KCB cho khoảng 300 BN. Tại buổi giám sát của HĐND tỉnh, BS Phan Thị Thửng - Trưởng PKĐK số 2 kiến nghị: “Để đảm bảo đủ nhân lực cho hoạt động của phòng khám cần có thêm 4 BS, 4 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên X-Quang. Tuy nhân lực mỏng, công việc nhiều nhưng BS làm việc ở PKĐK lại không được hưởng chế độ hỗ trợ 1,5 mức lương như BS làm việc ở trạm y tế. Đây là thiệt thòi cho những BS làm việc ở PKĐK”. 

Ghế răng ở Phòng khám đa khoa số 3 quá cũ.
Ghế răng ở Phòng khám đa khoa số 3 quá cũ.

 


Thạc sĩ Nguyễn Đình Thoan - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Nha Trang chia sẻ, do TTYT TP. Nha Trang không có bệnh viện nên công tác KCB ban đầu cho người dân ở thành phố tập trung hầu hết tại 5 PKĐK. Hiện nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 186.000 thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù số đầu thẻ lớn nhưng số BS ở 5 PKĐK chỉ có khoảng 20 người (thiếu gần một nửa so với nhu cầu), nên các BS ở PKĐK phải làm việc gấp đôi. Về cơ sở vật chất, tuy các phòng khám còn khá khang trang, sạch sẽ nhưng phần lớn đều chật chội và có kết cấu không phù hợp. Hiện nay, với số lượng người đến khám đông, một số phòng khám không thể kê thêm giường, không có sảnh đợi mà phải tận dụng hành lang để làm nơi đón tiếp BN, một số nơi chưa triển khai được các dịch vụ cận lâm sàng. Không những thế, TTB ở các phòng khám tương đối cũ, thường bị hư hỏng nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng KCB. “TTYT Nha Trang đã nhiều lần kiến nghị ngành Y tế, UBND TP. Nha Trang quan tâm đầu tư, nhưng do thiếu kinh phí nên cơ sở vật chất, TTB của các PKĐK vẫn chưa được cải thiện nhiều. Những tồn tại nêu trên là nguyên nhân khiến các BS không muốn nhận công tác ở các phòng khám. Hơn 10 năm nay, TTYT Nha Trang chưa tuyển được BS nào cho các PKĐK” - Thạc sĩ Nguyễn Đình Thoan nói.


Để giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng KCB, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần quan tâm, đầu tư mạnh cho các PKĐK ở TP. Nha Trang.


THẢO LY