06:12, 31/12/2019

Chủ động ứng phó sự cố tràn dầu

Thực hiện Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày càng có nhiều đơn vị tại Khánh Hòa quan tâm triển khai công tác này.

Thực hiện Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày càng có nhiều đơn vị tại Khánh Hòa quan tâm triển khai công tác này.


Tăng cường phối hợp


Thời gian qua, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh luôn quan tâm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật như: Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được UBND tỉnh phê duyệt; hàng năm tổ chức diễn tập và tham gia tập huấn ở tỉnh. Hiện nay, đơn vị liên kết với Nhà máy X52 Vùng 4 Hải quân tăng cường phương tiện, trang bị cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

 

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng Vinpearl.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng Vinpearl.

   
Theo ông Nguyễn Viết Nhâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh, đơn vị quan tâm công tác phòng ngừa, chỉ tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, thiết bị và container. Do đó, lượng dầu hành trình có số lượng nhỏ, lại đựng trong khoang két đặc biệt, nếu xảy ra sự cố cũng dễ kiểm soát. Đồng thời, phối hợp với Cảng vụ Nha Trang, Công ty Hoa tiêu khu vực VIII điều tiết, khai thác cảng an toàn, hạn chế thấp nhất các va chạm hàng hải.


Công ty Cổ phần Thanh Yến - Vân Phong, đơn vị chủ đầu tư dự án Bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện là Công ty TNHH Quỳnh Hưng sẵn sàng cung ứng dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu như: tàu ứng cứu sự cố 250CV, phao quây tự nổi, hệ thống bơm hút dầu tràn 10m3/giờ, vật liệu thấm, thùng chứa 5.000 lít và nhiều thiết bị chuyên dùng khác.


Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, hiện nay, đơn vị quản lý 18 cảng biển thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Các đơn vị này hầu hết đã được các tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Với đặc thù quy mô vận tải qua cảng chủ yếu là tàu trọng tải thấp (lớn nhất 70.000 tấn), đồng thời lượng dầu dự trữ trên tàu không nhiều, chủ yếu đảm bảo cho hành trình ngắn, nên nếu có sự cố xảy ra gây thiệt hại không lớn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là từng đơn vị chưa thể tự mua sắm trang thiết bị, phương tiện chủ động ứng phó sự cố tràn dầu vì hầu hết thiết bị đều đắt tiền; việc diễn tập còn hạn chế (1 năm/lần) nên chưa đảm bảo độ thuần thục. Đơn vị đề xuất cần xây dựng quy chế phối hợp và cảng chủ đạo về ứng phó sự cố tràn dầu trong nhóm cảng gần nhau.  


Kiến nghị hướng dẫn ứng phó sự cố trên đất liền


Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo Quyết định 02 ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 20 doanh nghiệp đã có kế hoạch được tỉnh phê duyệt, 3 đơn vị trong giai đoạn thẩm định, 2 đơn vị chưa xây dựng phương án. Về mua sắm trang thiết bị, có 12 đơn vị triển khai theo quy định. Hiện nay, Công ty Xăng dầu Phú Khánh đã chủ động diễn tập hàng năm và mua sắm trang thiết bị nên khi xảy ra sự cố có đủ khả năng ứng phó; các đơn vị chưa mua sắm nhưng hợp đồng với đơn vị có năng lực để có thể đảm bảo đủ khả năng ứng phó với sự cố.


Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở TN-MT, theo quy định, các cảng, cơ sở, dự án phải đầu tư hay hợp đồng với đơn vị có đủ điều kiện ứng phó hoặc với các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực. Những đơn vị chưa xây dựng kế hoạch, chưa mua sắm trang thiết bị hay chưa tổ chức hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu, sở sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở thực hiện. Đến nay, Khánh Hòa chưa tổ chức được công tác diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh nên việc phối hợp và triển khai các lực lượng giữa các đơn vị thuộc tỉnh cũng như Trung ương sẽ gặp khó khăn, đặc biệt khi xảy ra sự cố tràn dầu quy mô lớn. Một vấn đề nữa là hiện nay, Trung ương chưa ban hành văn bản về ứng phó sự cố tràn dầu trên đất liền. Đây là thẩm quyền của UBND cấp huyện. Vì thế, tỉnh đang kiến nghị Trung ương sớm ban hành thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu khi xảy ra sự cố trên đất liền.


V.L