10:03, 20/03/2019

Dự án Hồ chứa nước Tà Lua: 10 năm trên giấy

Từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến nay đã 10 năm, nhưng hồ Tà Lua (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn chưa thể khởi công. Người dân trong khu vực đang mong hồ được xây dựng từng ngày. 
 

 

Từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư đến nay đã 10 năm, nhưng hồ Tà Lua (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn chưa thể khởi công. Người dân trong khu vực đang mong hồ được xây dựng từng ngày. 
 
Bảo vệ lòng hồ dự kiến
 
Theo quan sát của phóng viên, khu vực lòng hồ dự kiến vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Trên các cánh đồng, người dân đang thu hoạch rộ cây mía. Nhiều khoảnh ruộng được người dân trồng khoai, mì, bầu bí, cây ngắn ngày. Theo người dân 2 xã Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam - các địa phương được hưởng lợi từ hồ chứa nước Tà Lua, sau khi nhận được tiền đền bù, họ rất phấn khởi, tiếp tục canh tác và hứa sẵn sàng trả mặt bằng khi triển khai thi công hồ Tà Lua. 

 

Khu vực dự kiến xây dựng hồ chứa nước Tà Lua.
Khu vực dự kiến xây dựng hồ chứa nước Tà Lua.
 
Cũng như những hộ khác trong khu vực, ông Phan Ngọc Ẩn (Suối Cát, Cam Hiệp Nam) mong dự án khởi công từng ngày. Lâu nay, sản xuất nông nghiệp trong khu vực dựa vào nước trời là chính, chỉ một ít nơi có thể đào ao, giếng bơm tưới. Năm 2013, gia đình ông được Nhà nước bồi thường 290 triệu đồng trên diện tích 3.500m2 trồng các loại cây như: chuối, keo, bạch đàn, xoài tây… “Có nước thì làm việc gì cũng dễ. Có hồ thì nước ngầm cũng dồi dào, người dân dễ dàng đào ao, giếng lấy nước tưới cho cây trồng. Hiện nay, chính quyền cho phép người dân sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày trên diện tích đã bồi thường. Khi nào Nhà nước yêu cầu trả lại mặt bằng, chúng tôi sẽ giao ngay”, ông Ẩn nói. 
 
Công tác bảo vệ hiện trường lòng hồ được các xã quan tâm. Ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, hiện tại không có sự biến động lớn hiện trạng trong khu vực lòng hồ dự kiến. Người dân vẫn sản xuất cây ngắn ngày trên diện tích đã bồi thường. Vừa qua, một số cá nhân có khai thác trộm cát trong khu vực suối nhưng xã đã xử lý và lắp barie ngăn đường vận chuyển ra vào khu vực này. Còn ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho hay, đất người dân sản xuất vẫn giữ nguyên trạng, người dân sẵn sàng giao đất khi thi công hồ. Tỉnh giao huyện quản lý khu vực lòng hồ. Trung tâm Phát triển quỹ đất Cam Lâm vừa tiến hành cắm mốc, xác định lại ranh giới, chờ dự án triển khai. 
 
Theo ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Cam Lâm, năm 2013, huyện đền bù xong diện tích trong diện giải tỏa lòng hồ, nhưng chờ lâu không thấy dự án thi công nên người dân canh tác trở lại. Tuy nhiên, vì phập phồng không biết khi nào Nhà nước lấy lại mặt bằng nên việc đầu tư sản xuất không đảm bảo. Địa phương rất mong tỉnh quan tâm triển khai dự án sớm để người dân an tâm.
 
Chờ bố trí vốn
 
Hồ Tà Lua có chiều cao đập 22m, chiều dài đập 1.290m, tràn xả lũ có cao trình ngưỡng tràn 62,5m, cống lấy nước lưu lượng 130 lít/giây. Theo thiết kế, dung tích toàn bộ hồ 1,87 triệu m3, kênh chính dài 66,8m, kênh chính bắc dài 1.288m, kênh chính nam dài 985m… Dự án sử dụng tưới phun là chính, đưa nước tới cây trồng bằng thiết bị tạo dòng phun mưa. 
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án NN-PTNT), dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Tà Lua được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2603 (ngày 9-10-2009), điều chỉnh tại Quyết định 1929 (ngày 28-7-2014) với tổng mức đầu tư hơn 121 tỷ đồng (đền bù hơn 50 tỷ đồng), giao cho Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông và thủy lợi (nay là Ban Quản lý Dự án NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là cung cấp nước tưới cho 160ha đất canh tác nông nghiệp; đồng thời tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 12.000 dân 2 xã Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
 
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án NN-PTNT cho biết, từ năm 2015, dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa. Ban đã tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng thi công các công trình đầu mối. Tuy nhiên, do UBND tỉnh không bố trí được nguồn vốn nên ban đã thanh lý hợp đồng. Ngày 10-10-2017, UBND tỉnh có văn bản số 9298 xin trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng để thi công công trình. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời ngày 2-11-2017, Bộ Tài chính cho biết dự án không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020.
 
V.LẠC