09:03, 11/03/2019

Cam Lâm: Nỗi lo thiếu nước sản xuất

Huyện Cam Lâm đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tưới cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
 

Huyện Cam Lâm đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tưới cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
 
 
Mùa nắng nóng sắp bắt đầu, với tâm lý lo thiếu nước tưới người dân một số địa phương trên địa bàn huyện Cam Lâm đã chủ động nguồn nước bằng cách khoan thêm giếng. Theo các chủ vườn, nhu cầu khoan giếng chống hạn đang rất lớn. Ông Ngô Xuân Tân (xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, cách đây 3 tuần, ông đã gọi điện để thuê người đến khoan giếng cho vườn xoài hơn 500 gốc của mình, nhưng vẫn phải chờ đến lượt do nhiều người đăng ký khoan trước. Hiện nay, vườn xoài của ông Tân đã có 1 giếng, nhưng vẫn phải khoan thêm do sợ thiếu nước bởi mùa hạn có khi kéo dài 3 - 4 tháng.

 

Dự kiến đầu tháng 4, huyện Cam Lâm sẽ tiến hành sửa chữa nhiều đoạn kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Dự kiến đầu tháng 4, huyện Cam Lâm sẽ tiến hành sửa chữa nhiều đoạn kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
 
Theo ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm, không chỉ với người trồng trọt, mà hiện nay nhu cầu khoan giếng ở các cơ sở chăn nuôi cũng rất cao trước mùa hạn. Đến nay, phòng tiếp nhận khá nhiều đơn đăng ký khoan giếng của các cơ sở chăn nuôi. Sau khi cho phép các đơn vị triển khai, phòng sẽ cử cán bộ giám sát, kiểm tra việc thực hiện đúng quy định. Đối với hộ trồng xoài, đơn vị cũng đã đề nghị các địa phương thông báo đến người dân việc làm thủ tục đăng ký khoan giếng. Tuy nhiên, đa phần các hộ tự làm mà không thông qua cơ quan chức năng nên việc nắm bắt số lượng và quản lý còn khó khăn.
 
 
Để điều tiết nước phục vụ sản xuất, UBND huyện Cam Lâm đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn, văn phòng đại diện quản lý các hồ: Tà Rục, Cam Ranh, Suối Dầu thường xuyên nắm bắt thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước từ sông, suối, hồ chứa nước; tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, khơi thông dòng chảy và sửa chữa các vị trí kênh mương bị hư hỏng, tránh thất thoát gây lãng phí nước. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hợp lý.
 
 
Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, đến nay, mực nước ở các hồ vẫn đảm bảo phục vụ tưới trong mùa hạn. Cụ thể, hồ Suối Dầu có cao trình 42,18m, dung tích 32 triệu m3 nước; hồ Cam Ranh có cao trình 31,63m, dung tích 21,3 triệu m3 nước. Hệ thống kênh mương phục vụ nông nghiệp các xã cơ bản đầy đủ, tuy nhiên hiện nay, người dân xã Cam Hiệp Nam vẫn còn phải sử dụng nước giếng khoan để tưới do chưa có hệ thống dẫn nước về. Bên cạnh đó, tại nhiều vùng ở các xã cánh tây, người dân vẫn khoan giếng để đề phòng hạn hán. Nhằm chủ động chống hạn, phòng đã đề xuất kế hoạch tu sửa một số hạ tầng kênh mương đã bị hư hỏng nhiều tại các xã: Suối Cát, Suối Tân, Cam Phước Tây, Cam Thành Bắc... và khắc phục các công trình kè trước đây bị hư hỏng do thiên tai. Từ đó, đảm bảo công suất cung cấp nước phục vụ nông nghiệp. 
 
 
Tổng kinh phí đề xuất khoảng 8 tỷ đồng, sử dụng ngân sách huyện và tỉnh, nếu được thông qua sớm sẽ triển khai vào đầu tháng 4.
 
 
“Dự báo, năm nay, thời tiết sẽ có nắng nóng kéo dài, nguy cơ hạn hạn rất cao. Vì vậy, địa phương đã chủ động lên các kế hoạch chống hạn. Bên cạnh đó, UBND huyện đang yêu cầu các địa phương kiểm tra gắt gao, giám sát việc người chăn nuôi, không để tình trạng vứt xác chết động vật bừa bãi xuống kênh mương thủy lợi, làm ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ thống nước phục vụ sinh hoạt, tưới cho cây trồng”, ông Cường nói.
 
 
VĨNH THÀNH