09:08, 26/08/2018

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của thiếu nhi

Nhà Thiếu nhi tỉnh hiện có diện tích 15.000m2, gồm có khối nhà phục vụ biểu diễn, hoạt động nghệ thuật và khối học tập, phục vụ các hoạt động dạy năng khiếu. Trong dịp hè, mỗi khóa học có khoảng 4.000 thiếu nhi tham gia. 

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của thiếu nhi


Nhà Thiếu nhi tỉnh hiện có diện tích 15.000m2, gồm có khối nhà phục vụ biểu diễn, hoạt động nghệ thuật và khối học tập, phục vụ các hoạt động dạy năng khiếu. Trong dịp hè, mỗi khóa học có khoảng 4.000 thiếu nhi tham gia. Tổng cộng, mỗi năm, có hơn 10.000 lượt thiếu nhi tham gia các hoạt động tại đây, đa phần là thiếu nhi ở nội thành TP. Nha Trang.


Hiện tại, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn chưa được đầu tư xây dựng khối thể thao trong và ngoài trời như hồ bơi, nhà đa năng... So với các tỉnh, thành khác, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn thiếu diện tích để phát triển thêm nhạc cụ dân tộc, khu sáng tạo thiếu nhi, trung tâm kỹ năng, phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em...


Việc Nhà Thiếu nhi tỉnh nằm trong một phần quy hoạch các bãi giữ xe trên địa bàn TP. Nha Trang tôi chỉ mới nghe nói, chưa được thông tin chính thức. Tuy nhiên, là một người gắn bó với công tác thiếu nhi lâu năm, theo tôi, dù làm bất cứ việc gì, cũng cần đặt lợi ích của trẻ em lên trước.  


Vị trí hiện nay của Nhà Thiếu nhi tỉnh nằm tại trung tâm thành phố, rất thuận lợi cho các hoạt động của thiếu nhi. Nếu quy hoạch xây dựng lại Nhà Thiếu nhi tại đây, cần đảm bảo được môi trường sinh hoạt của thiếu nhi được tách biệt, không sáp nhập chung với các công trình chức năng khác, làm ảnh hưởng đến không gian của trẻ. Bên cạnh đó, các công trình chức năng dành cho thiếu nhi cần được đầu tư thêm chứ không bỏ bớt. Vì hiện tại, quỹ đất cho thiếu nhi vui chơi ngày càng khan hiếm, nếu quy hoạch càng làm thu hẹp diện tích hoạt động và các công trình chức năng của nhà thiếu nhi sẽ là một thiệt thòi lớn cho các em.


Tôi mong rằng, việc quy hoạch bãi đỗ xe tại khu vực Nhà Thiếu nhi tỉnh, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp sẽ được lấy ý kiến tổng thể từ nhiều cấp, ngành, đảm bảo hài hòa lợi ích chung. Trong đó, có quyền lợi chính đáng của thiếu nhi.


NGUYỄN PHƯƠNG DOANH - Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa

 



Nên giữ lại Nhà Thiếu nhi


Theo tôi, nên giữ nguyên Nhà Thiếu nhi tỉnh như hiện nay, chỉ nên sửa chữa, tân trang lại. Khu đất trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Nhà Thiếu nhi tỉnh xây dựng công viên cây xanh và bãi đỗ xe là hợp lý. Việc xây dựng bãi xe ngầm sẽ tốn nhiều chi phí, khó kêu gọi đầu tư, chỉ nên xây dựng khối nhà 5 tầng dùng để đỗ xe (không đầu tư căn tin, nhà phụ trợ...). Đồng thời  phá bỏ vịnh đỗ trên đường Yersin hiện nay và bố trí một con đường nhỏ phía vành đai công viên cho xe khách dừng đỗ đón trả khách tham quan Nhà thờ Núi. Quy hoạch gần giống bãi đỗ xe tại các khu chung cư CT6, CT7 KĐT Vĩnh Điềm Trung. Ngoài ra, tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng cầu bộ hành bắc qua đường Thái Nguyên để học sinh, khách du lịch đi qua đường dễ dàng hơn.


CƯỜNG NGUYỄN LÊ HUY (Nha Trang)



. Tôi nghĩ nên giữ nguyên diện tích Nhà Thiếu nhi như hiện nay. Về khu nhà của Nhà Thiếu nhi cùng với Nhà hát Á Châu cũng cần giữ lại vì còn mới. Tuy nhiên, khu vực sân thể dục, khu vui chơi trẻ em và khu vực cổng phía đường Thái Nguyên nên được cải tạo lại vì khá nhếch nhác.


Về khu đất Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp tổng hợp nên xây dựng bãi đỗ xe ngầm để giảm ùn tắc giao thông, tăng thêm quỹ đất giao thông tĩnh (có thể nghiên cứu làm đường hầm nối từ bãi xe băng qua đường Thái Nguyên cho khách du lịch sang đường được thuận tiện). Phía trên sẽ xây dựng công viên công cộng cho người dân và du khách. Tỉnh cũng nên nghiên cứu mở rộng lòng đường Lê Thành Phương vì hiện nay đường này khá hẹp.


Nguyễn TRẦN HUY (Nha Trang)

 


_________________


Mời bạn đọc tham gia góp ý cho Diễn đàn:


ĐẤT TRUNG TÂM, DÀNH CHO CÔNG VIÊN HAY TRƯỜNG HỌC?

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Email: toasoan.bkh@gmail.com,

hoặc địa chỉ Tòa soạn Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, Nha Trang.