11:06, 14/06/2022

Viện Nuôi trồng thủy sản - Trường Đại học Nha Trang: Chú trọng nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Viện Nuôi trồng thủy sản - Trường Đại học Nha Trang vừa tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 2, thu hút 15 báo cáo đề tài của SV thực hiện từ năm 2020 đến nay, trong đó nhiều đề tài có giá trị ứng dụng.



 

 

Viện Nuôi trồng thủy sản (NTTS) - Trường Đại học Nha Trang vừa tổ chức hội nghị sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học (NCKH) lần thứ 2, thu hút 15 báo cáo đề tài của SV thực hiện từ năm 2020 đến nay, trong đó nhiều đề tài có giá trị ứng dụng.


Nhiều đề tài có giá trị ứng dụng


Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ - Phó Viện trưởng Viện NTTS cho biết, các báo cáo tham gia hội nghị SV NCKH lần 2 đều là những đề tài bám sát yêu cầu thực tiễn NTTS hiện nay và được các địa phương đặt hàng. Ví dụ như báo cáo khoa học “Khảo sát tỷ lệ nhiễm vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ở tôm nuôi nước lợ bằng kỹ thuật nested PCR” của SV Nguyễn Thị Thu Thảo và nhóm SV lớp 60.BHTS được đánh giá cao. Thu Thảo cho biết, việc phát hiện sớm sự có mặt của vi bào tử trùng EHP gây bệnh ở tôm nuôi rất khó khăn bởi EHP có kích thước siêu nhỏ và sống trong tế bào chất của tôm. Nghiên cứu tiến hành so sánh khả năng phát hiện EHP của PCR truyền thống và phương pháp nested PCR. Kết quả, phương pháp nested PCR có độ nhạy cao hơn, là công cụ chẩn đoán hiệu quả phát hiện EHP ở tôm nuôi.

 

Phân tích mẫu cá thòi lòi tại Trường Đại học Nha Trang.

Phân tích mẫu cá thòi lòi tại Trường Đại học Nha Trang.


Hay đề tài “Ảnh hưởng của mật độ và loại thức ăn đến chất lượng ấu trùng của cá khế vằn, giai đoạn chuyển đổi thức ăn” của SV Ngô Thanh Cẩm, đại diện nhóm nghiên cứu lớp 60-NTTS 1 đã chỉ rõ ấu trùng cá khế vằn nuôi mật độ 210 con/bể sinh trưởng có tỷ lệ sống lớn hơn so với nuôi ở mật độ 420 con/bể. Đồng thời, việc kết hợp giữa thức ăn B1 với mật độ 210 con/bể cho kết quả ấu trùng tốt nhất.


SV Trần Văn Quấn - lớp 60 NTTS 2 và nhóm của mình báo cáo về đặc điểm sinh học sinh sản của cá thòi lòi. Quấn cho biết, cá thòi lòi đang bị khai thác quá mức, cạn kiệt nguồn lợi, vì vậy cần được nghiên cứu đầy đủ về đặc điểm sinh học sinh sản để góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá này ngoài tự nhiên. Quấn và các bạn đã thực hiện nghiên cứu tại bãi triều xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) trong 12 tháng (từ tháng 7-2020 đến tháng 6-2021). Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học ban đầu góp phần xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo cá thòi lòi trong tương lai.  


Tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học

 

Giai đoạn 2017 - 2022, đã có 51 đề tài NCKH của SV. Một số đề tài tiêu biểu như: Đánh giá khả năng ương giống ốc nhảy giai đoạn ấu trùng đến con giống cấp I trong hệ thống downwelling; ảnh hưởng kết hợp giữa nhiệt độ với ammonia lên chất lượng ấu trùng cá hồng Mỹ; quá trình phát triển bộ xương cá khế vằn từ 2 đến 50 ngày tuổi theo quy trình sản xuất giống nhân tạo tại Nha Trang…

Viện NTTS là đơn vị có nhiều SV NCKH nhất của Trường Đại học Nha Trang. Những năm gần đây, đề tài, dự án của SV ngày càng vượt trội về số lượng và chất lượng nhờ những cải tiến trong việc xét duyệt đề tài, quan tâm cấp kinh phí cho SV NCKH với 300-400 triệu đồng/năm, bình quân 30 triệu đồng/đề tài. Đề tài của SV thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành tốt các nội dung theo thuyết minh và hợp đồng của Phòng Khoa học và Công nghệ nhà trường. Ngoài ra, hàng năm, Viện NTTS còn tổ chức nhiều hội thảo NCKH thu hút SV tham gia. SV sau khi tốt nghiệp được các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau), Thăng Long (Long An), Vland,  CP, Uni President VN, Nanovet Miền Nam (TP. Hồ Chí Minh)... tuyển dụng với mức lương hấp dẫn.


Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sỹ cho biết, thời gian tới, viện tiếp tục kiện toàn các phòng thí nghiệm do viện quản lý để triển khai các đề tài nghiên cứu của cán bộ, SV; tăng cường đề xuất các đề tài, dự án các cấp, đặc biệt là đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước; tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng các đề tài nghiên cứu hợp tác đa quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu cho các địa phương và doanh nghiệp; tiếp tục kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường số lượng đề tài NCKH trong SV, tăng cường báo cáo có hàm lượng khoa học tốt tại các hội thảo trong nước và quốc tế…


V.L