10:12, 06/12/2021

Nâng cao văn hóa ứng xử học đường

Sau 3 năm thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, nội dung, giải pháp của đề án được các trường cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, nội dung, giải pháp của đề án được các trường cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.


Chú trọng tuyên truyền, giáo dục


Để thực hiện tốt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”, hầu hết các trường đều xây dựng bộ ứng xử riêng, theo đặc thù và không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục (GD) văn hóa ứng xử thông qua các môn học, hoạt động tập thể, câu lạc bộ… Các thầy cô cũng lựa chọn nội dung GD văn hóa ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh (HS).

 

Một tiết học của học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Khánh Vĩnh).

Một tiết học của học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Khánh Vĩnh).


Cô Lê Thị Diễm -  Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS huyện Khánh Vĩnh cho biết, đa số HS của trường là HS dân tộc thiểu số. Nhà trường luôn quan tâm giáo dục HS về nhân cách, văn hóa ứng xử trong trường học và ngoài xã hội. Trường thường lồng ghép những buổi nói chuyện, tuyên truyền cho HS về đạo đức, lối sống thông qua hoạt động ngoại khóa; GD HS biết sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, giáo viên phải là tấm gương sáng để HS noi theo.


Để cụ thể hóa đề án, Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD văn hóa ứng xử trong trường học. Thầy Trương Minh Trình - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường đã xây dựng kế hoạch lồng ghép vào các tiết dạy về những vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đơn cử, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, qua hình thức trực tuyến, trường lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch cho HS và chính các em sẽ là những tuyên truyền viên, làm lan tỏa tới gia đình, cộng đồng. Vì thế, tuy dịch Covid-19 làm việc dạy và học vất vả hơn nhưng lại khiến mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình gắn kết chặt chẽ hơn.


Tiếp tục phát huy quy tắc ứng xử


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, sau 3 năm triển khai, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh đã có hiệu ứng mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng nếp sống đẹp, văn minh trong nhà trường; góp phần hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HS. Từ năm 2018 đến nay, 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định quy tắc ứng xử do Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi trường. Mỗi năm, có ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Đội Thiếu niên trong các trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức GD văn hóa ứng xử trong trường học; 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường…


Thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở GD duy trì, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tùy diễn biến dịch Covid-19 ở từng địa phương, các trường cần đa đạng hóa hình thức tuyên truyền, thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học, các hoạt động GD khác trong nhà trường. Đối với các cơ sở GD mầm non, sở yêu cầu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung GD văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, GD trẻ ở trường mầm non, các chuyên đề lễ giáo, hoạt động GD, hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, ứng xử phù hợp với độ tuổi như: Lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn… Đối với các cơ sở GD phổ thông, sở yêu cầu chú trọng GD ý thức tuân thủ pháp luật, GD đạo đức, lối sống, xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự như: Văn hóa xếp hàng nơi công cộng, biết nhường và giúp đỡ người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ, tự phục vụ, tự quản, tự học, tinh thần hợp tác, trung thực, kỷ luật, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo...

 

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Bộ GD-ĐT ban hành và được tỉnh triển khai từ đầu năm 2019. Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án, giai đoạn 1 (2018 - 2020), 100% cơ sở GD trong tỉnh đều phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong trường phù hợp với mỗi cấp học, bậc học và điều kiện thực tế tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Giai đoạn 2 (2021 - 2025), các trường tăng cường thắt chặt hơn nữa với gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Các cơ sở GD xây dựng và phát huy hiệu quả hơn trang thông tin điện tử của nhà trường, kịp thời phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin HS, giáo viên, nhân viên nhà trường, gia đình người học, cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường Internet, mạng xã hội.


THANH TRÚC