11:04, 06/04/2021

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đến nay, việc thực hiện đề án trong ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, đến nay, việc thực hiện đề án trong ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu.


Kết quả bước đầu


Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”, giai đoạn 1 (2018 - 2020), 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đều phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong trường phù hợp với mỗi cấp học, bậc học và điều kiện thực tế tại địa phương; tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đến nay, đã có gần 85% trường học xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 90% trường học ở các địa phương đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

 

Học sinh đọc sách trong thư viện Trường THPT Hà Huy Tập, TP. Nha Trang.

Học sinh đọc sách trong thư viện Trường THPT Hà Huy Tập, TP. Nha Trang.


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, 2 năm qua, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trong đó, công tác tuyên truyền được ngành đặt lên hàng đầu. Các trường học đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Nhờ đó, nhiều trường đã đưa ra nhiều hình thức giáo dục văn hóa ứng xử đa dạng thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại..., nhằm phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của các học sinh khóa trước, đội ngũ cán bộ lớp, chi đoàn đối với học sinh khóa sau.


Theo thầy Phạm Ngọc Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã Ninh Hòa, thời gian qua, trường đã thực hiện đa đạng hóa hình thức tuyên truyền qua việc giảng dạy tích hợp vào các môn học; tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, hoạt động ngoại khóa về ứng xử văn hóa trong trường học cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, 2 năm qua, trường đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử cho HS như: Xếp hàng nơi công cộng, biết nhường và giúp đỡ người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ…


Nỗ lực thực hiện mục tiêu giai đoạn 2


Theo Sở GD-ĐT, trong 5 năm tới, toàn ngành phấn đấu 100% trường học duy trì, phát huy hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong trường học; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh hàng năm được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 95% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.


Để thực hiện mục tiêu trên, ông Lê Đình Thuần cho rằng, giai đoạn 2 (2021 - 2025) của đề án, các trường cần tăng cường thắt chặt hơn nữa với gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng và phát huy hiệu quả hơn trang thông tin điện tử của nhà trường, kịp thời phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường, gia đình người học, cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường internet, mạng xã hội.


Thầy Phạm Ngọc Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang cho biết: “Cùng với việc chú trọng công tác tuyên truyền, nhà trường còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội trong hoạt động thông tin, tuyên truyền. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tích cực xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử…”.


THANH TRÚC