11:12, 30/12/2020

Triển khai chọn sách giáo khoa năm học 2021 - 2022

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai tới các trường tiểu học thực hiện Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông (có hiệu lực từ tháng 10-2020). 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa hướng dẫn các phòng GD-ĐT triển khai tới các trường tiểu học thực hiện Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (có hiệu lực từ tháng 10-2020). Điểm mới căn bản của Thông tư 25 là việc lựa chọn SGK từ năm học 2021 - 2022 sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định, thay vì các trường quyết định như trước.


UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách


Theo Thông tư 25, SGK được lựa chọn phải thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một hoặc một số SGK. Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh thành lập. Ngoài ra, mỗi môn học của một cấp học sẽ thành lập một hội đồng chọn SGK với số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 15 người; trong đó ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp đó. Quy trình lựa chọn SGK được triển khai theo các bước: Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, lựa chọn SGK trình phòng GD-ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT trước khi sở chuyển danh mục SGK cho Hội đồng lựa chọn SGK. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Danh mục SGK phải được thông báo chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới.

 

Tiết học tại Trường Tiểu học Vạn Thạnh (TP. Nha Trang).

Tiết học tại Trường Tiểu học Vạn Thạnh (TP. Nha Trang).


Được biết, UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK theo Thông tư 25 là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, cấu trúc SGK phải có tính mở, tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày. Nội dung SGK bảo đảm tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; giúp nhà trường, giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục. Chất lượng SGK phải bảo đảm sử dụng lâu dài nhằm tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và phụ huynh học sinh. SGK phải được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, bảo đảm tính khoa học, chính xác…


Góp ý các bản mẫu sách giáo khoa


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện nghiêm túc nguyên tắc, quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 25 và những tiêu chí của UBND tỉnh. Trên cơ sở danh mục SGK được UBND tỉnh phê duyệt, sở sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK đã được lựa chọn để tổ chức dạy và học cho lớp 2 từ năm học 2021 - 2022.


Để bảo đảm chất lượng SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời giúp cho giáo viên được sớm tiếp cận với các bản mẫu SGK, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sở đã đề nghị các phòng GD-ĐT tổ chức cho giáo viên tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 theo 3 đợt. Đợt 1, tổ chức cho giáo viên có kinh nghiệm góp ý; đợt 2, tổ chức cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021 - 2022 góp ý; đợt 3, thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website trước khi in và phát hành. Hiện nay, các bản mẫu SGK môn tiếng Việt và Hoạt động trải nghiệm đã được đưa lên website của các nhà xuất bản. Trước mắt, các giáo viên đã được cấp tài khoản sẽ thực hiện góp ý các bản mẫu này.


H.NGÂN