09:02, 19/02/2020

Phát huy kết quả thực hiện cơ chế tự chủ

Cuối năm 2019, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại 6 đơn vị. Kết quả cho thấy, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt, nhưng cũng còn một số vướng mắc, tồn tại.
 

Cuối năm 2019, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ tại 6 đơn vị. Kết quả cho thấy, các đơn vị cơ bản thực hiện tốt, nhưng cũng còn một số vướng mắc, tồn tại.
 
 
Năm qua, ngành Giáo dục Ninh Hòa đã thực hiện nghiêm  việc tinh giản biên chế. Trong ảnh: Một giờ học  tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Ninh Thân).
Năm qua, ngành Giáo dục Ninh Hòa đã thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế.
Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Ninh Thân).
 
Nhiều kết quả tích cực
 
Cả 6 đơn vị được kiểm tra đều đã thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, được tập thể thống nhất. Trong khoán chi tài chính năm 2018, hầu hết đơn vị đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, trích lập các quỹ: khen thưởng, phúc lợi, bổ sung thu nhập, phát triển sự nghiệp đúng quy định. Hầu hết đơn vị đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 và đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên. 
 
Chỉ số hài lòng năm 2018 của 3 sở được kiểm tra tuy giảm so với năm trước nhưng đều hơn 78%, đạt mục tiêu UBND tỉnh đề ra. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đạt cao nhất: 81,11%, đứng thứ 9/18 cơ quan thuộc khối sở được khảo sát. Đáng chú ý, các cơ quan đã thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế. Đến thời điểm kiểm tra, so với chỉ tiêu số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc giao năm 2015, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã giảm 12 chỉ tiêu; Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) giảm 134 chỉ tiêu; Sở NN-PTNT giảm 77 chỉ tiêu. So với số giao năm học 2015 - 2016, các phòng GD-ĐT: Ninh Hòa giảm 67 chỉ tiêu; Khánh Vĩnh giảm 20 chỉ tiêu; Cam Ranh giảm 58 chỉ tiêu. 
 
Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, Sở LĐ-TB-XH chưa đề xuất phương án tinh giản biên chế sau khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Một số đơn vị của sở chưa xây dựng được phương án tự chủ tài chính. Đối với ngành GD-ĐT, do kinh phí đào tạo (kinh phí định mức) hàng năm được phân bổ trên tiêu chí học sinh nên những trường có ít học sinh như các trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp ở Cam Ranh, Ninh Hòa... rất khó khăn về kinh phí thường xuyên để đảm bảo hoạt động chuyên môn. Trong khi đó, hiện nay, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD-ĐT. Ngoài ra, định mức phân bổ lĩnh vực GD-ĐT chưa bao gồm các hoạt động như: chế độ cử tuyển, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên, hội khỏe Phù Đổng…
 
Khắc phục vướng mắc, tồn tại
 
Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ kết quả kiểm tra trên, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, cơ quan ngành dọc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, UBND cấp huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, thiếu sót và đánh giá, báo cáo gửi Sở Tài chính trước ngày 20-2. Các cơ quan, UBND cấp huyện thống nhất phương án phân bổ kinh phí chi cho trường học, đơn vị sự nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý theo hướng đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp, góp phần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí. Các sở, ngành, địa phương thẩm định chặt chẽ việc phân bổ quản lý dự toán thuộc thẩm quyền quản lý. Lãnh đạo các cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao mức độ hài lòng, đảm bảo chỉ số hài lòng đạt mục tiêu UBND tỉnh đề ra hàng năm. 
Cuối năm 2019, đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh đã kiểm tra chuyên đề về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc khối huyện theo Nghị định số 16/2015 của Chính phủ và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Thông tư số 129/2017 của Bộ Tài chính đối với 6 đơn vị: Sở LĐ-TB-XH, Sở NN-PTNT, Sở GD-ĐT và 3 Phòng GD-ĐT: Ninh Hòa, Cam Ranh, Khánh Vĩnh. 
 
Đối với Sở GD-ĐT, UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu tỉnh kiện toàn mô hình phân cấp quản lý trường học ở cấp huyện, cấp xã theo hướng thống nhất, đúng quy định của Chính phủ về quản lý tổ chức bộ máy. Từ đó, tham mưu triển khai cơ chế tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí theo quy định, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, chú trọng rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường; điều chỉnh quy mô lớp, thu gọn điểm trường, tổ chức trường học nhiều cấp học; tham mưu cơ chế thí điểm đối với các trường có khả năng xã hội hóa để đảm bảo nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”. Sở LĐ-TB-XH quy định cụ thể số lượng đơn vị thực hiện tự chủ theo giai đoạn và đề xuất giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch. Nhằm đảm bảo nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”, Sở LĐ-TB-XH cần rà soát, nghiên cứu sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tối ưu đội ngũ gián tiếp, đề xuất tinh giản biên chế sau khi tinh gọn bộ máy tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Sở NN-PTNT rà soát, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc xác định được nguồn thu sự nghiệp, hoàn thiện xây dựng phương án tự chủ tài chính của đơn vị.
 
NGUYỄN VŨ