11:09, 11/09/2019

Nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã được duy trì, củng cố và nâng cao mức độ đạt chuẩn.

Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được duy trì, củng cố và nâng cao mức độ đạt chuẩn. 


Kết quả khả quan


Công tác PCGD, XMC được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương để tổ chức triển khai. Tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, duy trì sĩ số như: Đề án tăng cường phòng học tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho cấp tiểu học giai đoạn 2 cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; đề án kiên cố hóa trường, lớp học; cấp kinh phí tổ chức lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên các vùng khó khăn; cấp học bổng và tổ chức bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số...

 

Học sinh thị xã Ninh Hòa học tăng cường tiếng Việt.

Học sinh thị xã Ninh Hòa học tăng cường tiếng Việt.


Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Khánh Hòa là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành PCGD mầm non trẻ 5 tuổi từ năm 2013. Qua từng năm, các mục tiêu, tiêu chuẩn về PCGD, XMC được duy trì, củng cố. Tại đợt kiểm tra công tác PCGD, XMC tại Khánh Hòa vừa qua, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá cao sự sáng tạo, linh hoạt, những giải pháp bám sát thực tiễn và đồng bộ của tỉnh. Đoàn đã công nhận tỉnh đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS và XMC mức độ 1 năm 2018. Khánh Hòa là tỉnh thứ 17 trong cả nước và tỉnh duy nhất khu vực Duyên hải miền Trung đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất).


Vẫn còn khó khăn


Tại TP. Nha Trang, việc tăng dân số cơ học những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến việc theo dõi, kiểm tra, cập nhật số liệu vào các loại hồ sơ quy định đạt chuẩn quốc gia của công tác XMC và PCGD. Số lượng trường mầm non chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Có 3 xã, phường là Phước Tiến, Vạn Thắng, Vĩnh Hiệp chưa có trường THCS. Ngoài ra, một số trường tiểu học chưa tổ chức được 100% các lớp học 2 buổi/ngày. Vì vậy, việc thực hiện công tác XMC và PCGD còn nhiều khó khăn, chủ yếu thực hiện trong các trường phổ thông...

 

Theo Nghị định 20/2014 của Chính phủ, việc đạt chuẩn PCGD tiểu học và phổ cập THCS có 3 mức độ, chuẩn XMC có 2 mức độ, chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi không chia các mức độ.
Toàn tỉnh phấn đấu năm 2019 có 135/140 xã, phường, thị trấn, 8/9 huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 2; 140/140 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 6/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.

Trong khi đó, ở các địa bàn miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các vùng khó khăn, việc mở lớp XMC và giáo dục tiếp tục sau biết chữ vẫn còn hạn chế, chưa huy động được hết các đối tượng mù chữ ra lớp, đặc biệt là những người ở độ tuổi 36 - 60 và người dân tộc thiểu số. Đội ngũ giáo viên tại đây thường xuyên biến động, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, tỉnh mới đạt chuẩn XMC mức độ 1. Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số biện pháp mà một số địa phương thực hiện đạt hiệu quả như: hỗ trợ bằng vật chất cho người đi học các lớp XMC, linh hoạt trong việc tổ chức các lớp học như: dạy học trên biển, trên nương rẫy theo mô hình người biết chữ dạy người chưa biết chữ…


Đoàn kiểm tra cũng đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác PCGD, XMC; phối hợp liên ngành, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ngành Giáo dục cần tăng tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi ở những nơi có điều kiện; tích cực ứng dụng phần mềm để quản lý dữ liệu phổ cập từ xã, huyện, tỉnh; điều tra đối tượng phổ cập và quản lý hồ sơ chặt chẽ; tăng nguồn đầu tư cho giáo dục và sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…


Được biết, tỉnh cũng đã có một số giải pháp riêng nhằm duy trì bền vững các kết quả đạt được như: xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; xây dựng đề án thành lập trường mầm non tại Khu Công nghiệp Suối Dầu; triển khai đề án Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên huy động trẻ 12 - 36 tháng đến trường; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ dân tộc thiểu số…


H.NGÂN