10:06, 12/06/2019

Khi trẻ em lên tiếng

Tại Diễn đàn trẻ em do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Thành đoàn Nha Trang tổ chức ngày 12-6, thiếu niên đã có cơ hội nói lên cái nhìn của mình về những vấn đề mà các em quan tâm. Đã có nhiều ý kiến khiến người lớn phải giật mình…

Tại Diễn đàn trẻ em do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Thành đoàn Nha Trang tổ chức ngày 12-6, thiếu niên đã có cơ hội nói lên cái nhìn của mình về những vấn đề mà các em quan tâm. Đã có nhiều ý kiến khiến người lớn phải giật mình…


Góc nhìn của trẻ


Tham gia diễn đàn lần này, 160 thiếu niên trên địa bàn thành phố đã có cơ hội thảo luận, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề trẻ em.

 

Các thông điệp được đưa ra tại diễn đàn.

Các thông điệp được đưa ra tại diễn đàn.


Nói về vấn đề bạo hành trẻ em, quan điểm của em Vũ Diệu Vy - học sinh Trường THCS Thái Nguyên khiến nhiều người lớn không khỏi nhìn lại mình. Đó là, ai cũng nói tuyệt đối không để trẻ em bị bạo hành, vậy nhưng nhiều trường hợp, người bạo hành, đánh đập trẻ em lại chính là các bậc phụ huynh. Những lúc đó, trẻ em biết phải làm gì, tìm đến ai để được hỗ trợ?


Em Nguyễn Đình Phong - học sinh Trường THCS Mai Xuân Thưởng thì bày tỏ băn khoăn: Theo Luật Trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục, bạo lực học đường, tảo hôn... Mặc dù truyền thông thường xuyên đưa tin về các vụ việc xâm hại bị pháp luật trừng trị, nhưng tình trạng trẻ em bị quấy rối, xâm hại và bạo lực vẫn còn.


Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc bị tác động từ người ngoài, các em cũng gặp không ít áp lực do chính gia đình vô tình gây ra. “Trong việc học, chúng em thường bị áp lực về điểm số, bố mẹ luôn muốn con mình được điểm cao nên ngoài phần thưởng khi được điểm cao, lại có hình phạt khi bị điểm thấp để ép chúng em phải học nhiều hơn. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần học tập và khiến chúng em không thoải mái”, một học sinh lên tiếng. Ý kiến này gần như được cả hội trường ồ lên tán thành. Điều này chứng tỏ trẻ bị ép học nhiều đang là thực trạng phổ biến và tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.


Thẳng thắn, mạnh dạn hơn


Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang, diễn đàn năm nay đã có sự thay đổi so với các năm trước. Cụ thể, chương trình năm nay, ngoài việc được phổ biến, tương tác bằng các trò chơi, câu hỏi đố vui về bảo vệ quyền lợi của trẻ em, trong phần thảo luận nhóm, các em được nói lên quan điểm, ý kiến của mình nhiều hơn, không theo nội dung lên sẵn. Bên cạnh đó, ngoài trẻ em từ các xã, phường, năm nay, diễn đàn còn có trẻ em đến từ các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố tham gia, giúp các em cũng được góp phần vào tiếng nói chung để bảo vệ quyền lợi của mình.


Theo đánh giá của ban tổ chức, chất lượng diễn đàn năm nay đã cao hơn nhiều. Các em đã đưa ra nhiều thông điệp thiết thực, ý nghĩa như: đừng im lặng, hãy nói lên suy nghĩ của bản thân; cần phải phòng, chống đuối nước ở trẻ em... Đặc biệt, thông điệp khá thẳng thắn, mạnh dạn của nhóm các em đến từ phường Lộc Thọ, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Tân Lập, Phước Tiến là “Đừng để trẻ em tạo ra trẻ em” đã để lại ấn tượng mạnh với nhiều đại biểu tại diễn đàn. Qua thông điệp này, các em đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối nạn xâm hại tình dục ở trẻ em, gây ra hậu quả lớn về tinh thần và thể xác.


“Diễn đàn lần này có chất lượng rất tốt. Đây là lần đầu tiên tôi thấy các em thẳng thắn nói ra quan điểm của mình với các vấn đề trẻ em. Từ góc nhìn của người trong cuộc, các em đã nói lên được các khía cạnh mà người lớn chưa chắc hiểu được. Qua đây, đòi hỏi xã hội, gia đình và các cơ quan chức năng có động thái mạnh hơn để làm tốt công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, để các em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn”, bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang chia sẻ.


PHONG - TRÚC