01:12, 29/12/2017

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập: Những kết quả tích cực

Gia đình nghèo, cha mẹ qua đời do tai nạn giao thông, em Lê Văn Hùng (huyện Vạn Ninh) cùng các em phải ở với ông bà nội già yếu đã ngoài 80 tuổi. Hàng ngày, ông bà phải đi chăn bò thuê để kiếm tiền nuôi cháu. Ngoài giờ học, Hùng cũng phải tham gia phụ giúp ông bà.

Tiếp sức đến trường


Gia đình nghèo, cha mẹ qua đời do tai nạn giao thông, em Lê Văn Hùng (huyện Vạn Ninh) cùng các em phải ở với ông bà nội già yếu đã ngoài 80 tuổi. Hàng ngày, ông bà phải đi chăn bò thuê để kiếm tiền nuôi cháu. Ngoài giờ học, Hùng cũng phải tham gia phụ giúp ông bà. Vượt qua những vất vả trong cuộc sống, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Hùng đã thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Nha Trang. Còn em Phạm Thị Mỹ Chi (thị xã Ninh Hòa) từ nhỏ đã thiếu tình thương của cha; mẹ thì lâm bệnh qua đời khi em đang học lớp 3. Chi phải ở với bà ngoại đã già yếu, hàng ngày phải đi làm thuê. Ngoài giờ học, Chi cũng phải đi làm thêm để trang trải học hành và cuộc sống. Không chùn bước trước khó khăn, Chi đã ghi tên mình vào danh sách các tân sinh viên ngành Kinh tế ngoại thương, Trường Đại học Nha Trang năm 2017…

 

Hội Khuyến học huyện Diên Khánh trao học bổng cho các học sinh.

Hội Khuyến học huyện Diên Khánh trao học bổng cho các học sinh.

 
Đó là 2 trong số 42 trường hợp đã được Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh trao học bổng hỗ trợ đến trường (7 triệu đồng/suất) năm 2017. Ngoài ra, trong năm, hơn 1.000 suất học bổng, phần thưởng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cũng đã được quỹ trao cho các học sinh, sinh viên (HS-SV) nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập xuất sắc… Quỹ cũng bảo tồn nguồn vốn hơn 16 tỷ đồng để chăm lo hoạt động khuyến học, khuyến tài. Bên cạnh đó, các hội khuyến học ở cơ sở trao gần 47.800 suất học bổng cho HS-SV với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng. Từ các nguồn hỗ trợ, Hội Khuyến học tỉnh còn giúp 500 HS có nhà bị thiệt hại do cơn bão số 12 với tổng số tiền 485 triệu đồng… Theo bà Bùi Thị Hồng Tiến - Giám đốc Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh, mỗi trường hợp là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở các em đều có cùng chung ý chí, nghị lực vượt khó trong học tập và cuộc sống. Sự có mặt kịp thời của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội… đã hỗ trợ phần nào khó khăn, tiếp sức cho các em tiếp tục vươn lên.  


Tiếp tục phát huy


Các mô hình học tập cũng tiếp tục được phát huy. Trong năm có 170.957 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, đạt 84%; 119.127 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, đạt gần 94%; 806 thôn, tổ dân phố được công nhận “Cộng đồng học tập”, đạt 83%; 681 cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang được công nhận “Đơn vị học tập”, đạt 93%; 74 xã, phường, thị trấn của TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, huyện Khánh Sơn, thị xã Ninh Hòa đạt “Cộng đồng học tập” cấp xã, đạt 81%. Hội khuyến học các cấp cũng phối hợp với ngành Giáo dục chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh. Các trung tâm đã mở 1.191 lớp và 1.448 chuyên đề về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tuyên truyền pháp luật, tư vấn học nghề và việc làm… cho gần 68.900 lượt người.

 

Năm 2017 cũng ghi nhận bước phát triển mới ở các hội, ban khuyến học, góp phần xây dựng tổ chức hội rộng khắp ở cơ sở. Theo đó, có 997/997 thôn, tổ dân phố đều có chi hội khuyến học; 497/590 trường học có hội khuyến học; có 130/130 ban khuyến học dòng họ trên toàn tỉnh và 339 hội, ban khuyến học ở các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, trường đại học, cao đẳng. Tính đến tháng 12-2017, Hội Khuyến học tỉnh có gần 198.900 hội viên, tăng hơn 2.000 hội viên so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Việt Dân - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở. Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng xã hội học tập của tỉnh chủ yếu là nhờ sự nhiệt tình của các cấp, của những người tâm huyết với công tác giáo dục. Bên cạnh đó, hiện nay, mới chỉ có cấp tỉnh có trụ sở làm việc riêng, cấp huyện nhiều nơi chưa có hoặc tạm thời đặt nhờ ở phòng giáo dục và đào tạo hoặc UBND, UBMTTQ cấp huyện. Còn ở cấp xã, chưa nơi nào bố trí được nơi làm việc. “Điều kiện khó khăn đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các hội khuyến học cơ sở. Hội sẽ tiếp tục đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành có giải pháp động viên, hỗ trợ cán bộ khuyến học cấp huyện và xã”, ông Dân cho biết.


Trong năm 2018, Hội Khuyến học tỉnh chú trọng phát triển hội viên theo hướng vận động mỗi gia đình có ít nhất một hội viên khuyến học; mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường học, mọi người trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị vũ trang… đều là hội viên khuyến học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu đăng ký và công nhận danh hiệu cao hơn so với năm 2017. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Hội Trí thức tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng”.


Theo bà Bùi Thị Hồng Tiến, hiện nay, trong tỉnh vẫn còn nhiều HS-SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Khuyến học, khuyến tài tỉnh đã và đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ, để mỗi năm quỹ trao được nhiều suất học bổng hơn tới các em, góp phần động viên, chăm sóc các tài năng trẻ.


T.VIỆT