11:03, 12/03/2017

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Ninh Hòa: Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ đạt thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, chương trình lớn của thị xã.

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ đạt thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, chương trình lớn của thị xã.


Nhiều địa phương đạt thấp


Cuối năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và công nhận thị xã Ninh Hòa đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học mức độ 3. Riêng về công tác phổ cập GD THCS và xóa mù chữ, thị xã chỉ đạt ở mức độ 1, mức độ thấp nhất trong tiêu chí đánh giá.

 

Một lớp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tây
Một lớp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tây


Theo ông Nguyễn Ta, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã, với mức độ này, công tác phổ cập GD bậc THCS và xóa mù chữ ở Ninh Hòa được coi ngang bằng 2 địa phương vùng sâu, vùng xa là Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Sở dĩ công tác này ở Ninh Hòa bị đánh giá thấp là do hiện nay thị xã có 5 xã phường chưa đạt chuẩn mức độ 2 phổ cập GD THCS (tiêu chí mức độ 2 là các đơn vị phải có ít nhất 90% thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp THCS); 11 xã, phường chưa đạt chuẩn mức độ 2 xóa mù chữ (tiêu chí mức độ 2 là các đơn vị có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ). Những địa phương có tỷ lệ phổ cập GD THCS, xóa mù chữ khá thấp gồm: Ninh Hải (đạt 74,5%), Ninh Tây (78,7%), Ninh Thọ (80,9%) Ninh Đông (82%), Ninh Sim (83,8%)…


Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng công tác phổ cập GD, xóa mù chữ nói chung và ở cấp THCS nói riêng trên địa bàn thị xã đạt thấp là bởi các điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu hoặc xuống cấp; công tác điều tra xác minh gặp khó khăn do các hộ dân không chịu kê khai hoặc khai không đúng; sự thờ ơ, thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ ở các khu dân cư vùng biển… Chẳng hạn, xã Ninh Ích hiện nay có khá nhiều học sinh học xong lớp 5 lên lớp 6 rồi nghỉ học. Theo bà Phan Thị Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, mặc dù các cấp chính quyền địa phương, ngành phụ trách đều đến tận nơi tuyên truyền, vận động các em đến lớp song hiệu quả đạt được không cao. Nhiều trường hợp khi đến vận động, cha mẹ học sinh lấy lý do đi học xa, không an toàn khi đi qua đường quốc lộ, nhà nghèo không có học phí, phương tiện đi lại… nên không muốn cho con đến trường.


Tập trung tháo gỡ

 

Kế hoạch năm nay, thị xã Ninh Hòa tiếp tục giữ vững 27/27 xã, phường đạt chuẩn về phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi; giữ vững đạt chuẩn mức độ 3 phổ cập GD tiểu học; phấn đấu 25/27 xã, phường đạt chuẩn phổ cập GD THCS (tăng 3 xã, phường so với năm 2016), xóa mù chữ 20 học viên, sau xóa mù chữ 50 học viên, phổ cập bậc THCS 100 học viên

Ông Lê Bá Thuận, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa nhìn nhận, năm qua, công tác phổ cập GD, xóa mù chữ trên địa bàn thị xã chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả trong công tác này, Ban chỉ đạo thị xã cần đề ra những giải pháp triển khai kế hoạch thực hiện một cách tích cực hơn, trong đó phải đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. “Ban chỉ đạo các xã, phường cần tham mưu đưa mục tiêu nâng cao tỷ lệ phổ cập GD, xóa mù chữ vào nghị quyết, có như vậy việc triển khai thực hiện kế hoạch, mục tiêu mới đồng bộ và thực sự mang lại hiệu quả”, ông Thuận nói.


Theo ông Nguyễn Ta, trong phương hướng nhiệm vụ công tác năm nay, Ban Chỉ đạo phổ cập GD, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập Ninh Hòa sẽ quyết liệt tập trung các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn ở các địa phương. Cụ thể như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu; công tác tuyên truyền vận động, kiện toàn ban chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các trường học, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phổ cập, xã hội hóa giáo dục. Cùng với đó, tiếp tục triển khai kế hoạch của UBND tỉnh “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020”, “Kế hoạch xóa mù chữ đến năm 2020”; tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát hoạt động tại các lớp phổ cập, xóa mù chữ ở các địa phương; cụ thể hóa các chỉ tiêu kế hoạch năm và giao kinh phí cho các xã, phường để cuối năm xem xét, đánh giá xếp loại thi đua các đơn vị…


AN NHIÊN