11:06, 01/06/2016

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua 5 năm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến rất tích cực. 
 

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), qua 5 năm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN), chất lượng chăm sóc, GD trẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có những chuyển biến rất tích cực. 
 
Thay đổi môi trường giáo dục
 
Chuyển biến rõ nét thể hiện ở việc tất cả các trường đều có sự thay đổi về môi trường GD trong và ngoài lớp học, đặc biệt là môi trường phát triển vận động cho trẻ. Khi tổ chức các hoạt động, giáo viên đã chú ý đến việc lựa chọn các hoạt động gần gũi, thiết thực với phương châm “học bằng chơi, chơi mà học”, đồng thời còn có nhiều hoạt động như: giao lưu, tham quan, dã ngoại…, giúp trẻ mở rộng vốn sống và thêm mạnh dạn, tự tin. 
 
 Cô và cháu Trường Mầm non Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) tham gia “Vui hội trăng rằm”.
Cô và cháu Trường Mầm non Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) tham gia “Vui hội trăng rằm”.
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng và quy hoạch các khu vui chơi trong lớp, ngoài sân tại các trường MN được quan tâm đầu tư hàng năm. Đặc biệt, từ năm học 2011 - 2012, sau khi Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh được phê duyệt, sự đầu tư cho GDMN được tập trung hơn. 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 272 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường MN. Đến nay, hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất khá khang trang; sân vườn xanh, sạch, đẹp…
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương (huyện Cam Lâm) cho biết, từ năm học 2011 - 2012 đến nay, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, phong trào, hội thi, ngày hội…, tạo môi trường GD an toàn, thân thiện cho trẻ. Lớp học được thiết kế gần gũi, quen thuộc, các góc luôn thay đổi theo từng chủ đề và tận dụng tối đa các sản phẩm của trẻ để trang trí. Nhà trường cũng đã phối hợp với phụ huynh thực hiện tốt công tác xã hội hóa GD, xây dựng thêm khu vui chơi, phát triển thể chất, vườn cổ tích, vườn rau sạch, khu đồi cỏ, trồng hoa, cây bóng mát, sân bóng mini…
 
Tại Trường MN Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa), bà Trần Thị Thùy Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động linh hoạt, sáng tạo, tạo môi trường sinh động, hấp dẫn để trẻ được trực tiếp khám phá, trải nghiệm. Các góc hoạt động trong lớp học được sắp xếp hợp lý, giúp trẻ tự do tiếp cận và sử dụng đồ dùng, đồ chơi. Ở bên ngoài lớp học, nhà trường vận động phụ huynh tận dụng tối đa nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để xây dựng khu vườn cổ tích, khu vui chơi thể thao, vườn rau, vườn hoa…, tạo điều kiện cho trẻ học tập, khám phá, rèn luyện thể chất… 
 
Sẽ xây dựng Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi
Chương trình GDMN được triển khai theo tinh thần Thông tư số 17 ngày 25-9-2009 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, chương trình yêu cầu nội dung GD phải gần gũi, thiết thực với cuộc sống của trẻ; phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và GD; phương pháp GD phải chú trọng giao tiếp thường xuyên, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình GDMN vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, do áp lực công việc nên một số giáo viên không có nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện chương trình; một số giáo viên lớn tuổi chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động còn gò bó, áp đặt, ít linh hoạt, sáng tạo… Bên cạnh đó, do quy hoạch quỹ đất ở các xã, phường, thị trấn cho trường MN còn gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các trường MN ở khu trung tâm có sân chơi hẹp, hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Ngoài ra, tỷ lệ huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ và trẻ 3 - 4 tuổi trên địa bàn tỉnh ra lớp còn thấp (nhà trẻ đạt 24,1%, mẫu giáo bé đạt 58%), đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Một số phòng học được xây dựng trước đây có diện tích hẹp nên việc bố trí không gian hoạt động cho trẻ còn hạn chế… 

Bà Phan Thị Chiến, Phó Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT) cho biết, những năm tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư kinh phí, sửa chữa và xây thêm phòng học, phòng chức năng để tăng tỷ lệ huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ, trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi ra lớp; đảm bảo tất cả trẻ được ăn bán trú tại trường. Đồng thời, tiếp tục bổ sung đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài sân, xây dựng khu khám phá, trải nghiệm cho trẻ. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành Đề án phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành xây dựng Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu HĐND, UBND tỉnh về việc đào tạo và bồi dưỡng nguồn cán bộ và giáo viên tại chỗ cho các huyện miền núi, có chính sách ưu đãi cho cán bộ, giáo viên tình nguyện về công tác ở các vùng khó khăn; tổ chức cho cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng có trẻ dân tộc thiểu số học tiếng của dân tộc mình. Sở cũng sẽ tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh và cộng đồng để tạo điều kiện cho toàn xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp GDMN của tỉnh… 
 
 
H.NGÂN