10:10, 22/10/2020

Hầm đường sắt qua đèo Rù Rì: Đề nghị sớm sửa chữa, nâng cấp

Hầm đường sắt qua khu vực đèo Rù Rì (thành phố Nha Trang) đã bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Ban an toàn giao thông tỉnh đã có văn bản đề nghị ngành Đường sắt khẩn trương sửa chữa khắc phục khu vực này.

Hầm đường sắt qua khu vực đèo Rù Rì (TP. Nha Trang) đã bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cao. Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị ngành Đường sắt khẩn trương sửa chữa khắc phục khu vực này.


Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đi qua khu vực hầm đèo Rù Rì từ Km1305+950 đến Km1307+200 dài 1.250m, thuộc địa phận xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Những năm qua, khu vực này thường xuyên bị sạt lở gây ra mất ATGT đường sắt, ảnh hưởng đến công tác chạy tàu.

 

Vụ sạt lở khu vực phía bắc hầm đường sắt đèo Rù Rì ngày 9-10, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông đường sắt.

Vụ sạt lở khu vực phía bắc hầm đường sắt đèo Rù Rì ngày 9-10, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông đường sắt.


Mới đây nhất, ngày 7-10, tại Km1306+440 có khoảng 20m3 đất, đá và cây sụt xuống đường, gây gián đoạn giao thông gần 3 giờ. Trong khi ngành Đường sắt đang khắc phục thì vào lúc 6 giờ 40 ngày 9-10, khoảng 30m3 đất, đá tiếp tục sạt lở tại phía trái lý trình Km1306+420 (phía bắc hầm Rù Rì). Lực lượng bảo trì, bảo dưỡng kết cấu đường sắt đã phải mất nhiều giờ khắc phục sự cố, thông đường cho tàu chạy.


Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cho biết, hầm đường sắt qua đèo Rù Rì được xây dựng từ năm 1935. Qua nhiều năm khai thác, hầm đã bị xuống cấp, đặc biệt là hai đầu cửa hầm, lớp vỏ bị phong hóa cùng với địa chất yếu, dẫn đến mất an toàn. Hàng năm, khu vực hầm đèo Rù Rì có ít nhất từ 2 đến 3 lần bị sạt lở nghiêm trọng, mất ATGT đường sắt. Trước tính cấp bách đó, ngành Đường sắt đã cho sửa chữa và nâng cấp khu vực phía nam hầm. Đến nay, khu vực này đã cơ bản bảo đảm cho công tác chạy tàu. Tuy nhiên, khu vực phía bắc hầm với địa hình phức tạp, nhiều khu vực taluy hai bên đường chưa được đầu tư, việc sạt lở diễn ra thường xuyên. Mặc dù ngành Đường sắt đã kiến nghị nâng cấp, sửa chữa nhưng do kinh phí khó khăn nên đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Đây cũng là một trong những nỗi lo thường trực của ngành Đường sắt mỗi mùa mưa bão cận kề.


Theo quan sát của chúng tôi, đường hai đầu hầm được đào sâu từ 8 đến 22m, chiều rộng nền đường cả rãnh dọc hai bên là 6m, ta luy nền đường chủ yếu là đất lẫn đá và đá phong hóa, độ dốc lớn. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên đất đá trên taluy thường xuyên sụt trượt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT đường sắt. Khu vực phía bắc hầm Rù Rì trong 5 năm gần đây liên tiếp xảy ra trôi xói, sụt trượt đất, đá hoặc đá lăn. Nguy cơ mất ATGT đường sắt tại đây rất cao. Mặt khác do nền đường đào sâu nên công tác khắc phục hậu quả lụt bão rất khó khăn, thời gian khắc phục thường kéo dài, cần phải huy động lực lượng nhân vật lực rất lớn, làm ảnh hưởng đến vận tải đường sắt.


Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, để giải quyết tình trạng mất ATGT tại khu vực hầm đường sắt qua đèo Rù Rì, mới đây, ban đã làm việc với Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, trực tiếp đi khảo sát hiện trường và có văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, gia cố kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực này.


Thành Nam