10:08, 21/08/2019

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số, thời gian qua, đã có hàng nghìn người được tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đó, đồng bào đã tự tin trong việc phát triển kinh tế gia đình, thậm chí đi xuất khẩu lao động.

Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, đã có hàng nghìn người được tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua đó, đồng bào đã tự tin trong việc phát triển kinh tế gia đình, thậm chí đi xuất khẩu lao động.


Có nghề để mưu sinh


Gia đình anh Cao Tĩnh (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) có vườn sầu riêng khoảng 40 cây, được trồng cách đây mấy năm. Do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên việc sinh trưởng, phát triển của cây rất kém. Khi biết Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn có mở lớp dạy kỹ thuật trồng cây ăn quả, anh Tĩnh đã đăng ký tham gia. Sau thời gian theo học, anh đã được cấp chứng chỉ và quan trọng hơn là nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng cũng như một số loại cây ăn quả khác. “Vườn sầu riêng nhà tôi trước đây trồng và chăm sóc không đúng cách nên cây cứ bị còi cọc, nấm mốc, sâu bệnh. Bây giờ, tôi đã biết cách để cho cây xanh tốt, ra hoa, đậu quả. Tôi còn hướng dẫn hàng xóm trồng sầu riêng đúng kỹ thuật”, anh Tĩnh chia sẻ.

 

Dạy nghề may cho người dân tộc thiểu số  tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn.

Dạy nghề may cho người dân tộc thiểu số tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn.


Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Sơn, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã mở 48 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 1.224 lao động trên địa bàn. Trong đó, có 37 lớp nghề phi nông nghiệp và 11 lớp dạy nghề nông nghiệp. Hàng năm, cơ quan chuyên môn của huyện đều phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá và lập kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề tại địa phương; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trong số lao động được đào tạo nêu trên, có tới hơn 80% có việc làm. Năm 2018, huyện có 8 lao động người DTTS đi xuất khẩu lao động và bước đầu đã gửi tiền về phụ giúp gia đình.


Ở thị xã Ninh Hòa, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện với hàng trăm lao động DTTS. Hoạt động này gắn với vùng chuyên canh, với doanh nghiệp nên số lao động có việc làm ổn định sau khi học nghề chiếm 90%. Trong đó, xã Ninh Tây là địa phương tích cực trong việc triển khai công tác này với sự vào cuộc của Ban chấp hành Đoàn xã. Cụ thể, Ban chấp hành Đoàn xã đã nắm bắt thông tin, tuyên truyền về vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thị xã đến lực lượng đoàn viên, thanh niên người DTTS; phối hợp với các hội, đoàn thể khác mở các lớp dạy nghề ngắn ngày cho lao động thanh niên; tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 24 lao động đi làm việc ở các nhà máy, công ty đóng chân trên địa bàn. Qua đó, đã xuất hiện những cá nhân điển hình như anh Mang Xuân Luông (thôn Buôn Đung) với mô hình trồng nấm cho thu nhập hàng năm 150 triệu đồng.


Phấn đấu 70% lao động dân tộc thiểu số được dạy nghề


Thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.905 lao động là người DTTS. Nếu như cuối năm 2015, tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề mới chiếm 35%, thì đến nay đã đạt 45,6%, trong đó lao động được đào tạo từ trung cấp trở lên đạt 27,2%. Trong hoạt động đào tạo nghề đã nổi lên một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đạt kết quả như: mô hình liên kết với một số công ty may ở TP. Hồ Chí Minh đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS; đào tạo, sử dụng công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ ở các huyện miền núi... Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ 12 lao động người DTTS tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Ả rập Xê út. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người DTTS đã góp phần giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.


Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tâm lý của người DTTS vẫn còn nặng tính trông chờ, ỉ lại. Việc hỗ trợ dạy nghề phi nông nghiệp cho đồng bào còn gặp nhiều trở ngại do người dân quen với lao động nông nghiệp. Ngay cả việc dạy nghề nông nghiệp đôi khi cũng khó khăn do vẫn còn tình trạng thiếu đất sản xuất ở một số hộ.


Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mục tiêu đến năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 70% lao động người DTTS được đào tạo nghề, trong đó có hơn 90% lao động sau đào tạo nghề có việc làm với thu nhập ổn định. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi; tiếp tục thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng DTTS và miền núi gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, vận động mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho đồng bào DTTS.


GIANG ĐÌNH