09:08, 25/08/2019

Hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm

Những năm qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm người lao động.

 

Những năm qua, nguồn vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm người lao động.


Tạo việc làm, nâng cao thu nhập


Năm 2009, gia đình ông Huỳnh Văn Quân (thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) vay hơn 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để mua máy móc, thiết bị làm nhà xưởng dệt lưới. Nhờ công việc ổn định, thị trường ngày càng mở rộng, làm ăn hiệu quả, sau 3 năm, ông đã trả hết nợ. Đến năm 2015, ông vay 50 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, cơ sở của ông tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, với mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng. “Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình tôi có điều kiện đầu tư, mở rộng nhà xưởng, thu nhập mỗi tháng được hơn 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư làm chuồng trại nuôi hơn 500 con gà thịt, trồng hơn 150 cây xoài tứ quý. Qua đó, mang lại thu nhập khá cho gia đình”, ông Quân chia sẻ.

 

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình ông Huỳnh Văn Quân phát triển nghề dệt lưới.

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình ông Huỳnh Văn Quân phát triển nghề dệt lưới.


Cũng từ nguồn vốn này, gia đình ông Ngô Quốc Nhật (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho 6 lao động là con, cháu trong nhà. Có đất vườn rộng, năm 2016, ông Nhật vay hơn 30 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại, mua bò chăn nuôi. Đến nay, đàn bò đã tăng lên gần 50 con. Bên cạnh đó, ông còn trồng hơn 1ha tỏi. Mô hình này mỗi năm đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Nhật cho biết: “Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình tôi đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, mang lại thu nhập khá, giúp tôi xây dựng được nhà cửa khang trang”.    


Tương tự, năm 2015, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) thành lập tổ hợp tác sản xuất kẹo dừa, kẹo đậu phụng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm 150 triệu đồng. Bà kêu gọi những phụ nữ đã và đang làm kẹo nhỏ lẻ trong thôn cùng gia nhập và sản xuất theo dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Lan cho biết: “Hiện nay, tổ hợp tác đang tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao gấp đôi so với trước, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống”…


Cần bổ sung vốn


Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, mức vay từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tối đa 1 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và 50 triệu đồng/lao động. Nhiều năm qua, nguồn vốn vay này đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn đã hỗ trợ người dân ổn định công việc, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Tính đến hết tháng 7, tổng dư nợ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm là 35,4 tỷ đồng với hơn 1.400 hộ vay.


Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diên Khánh, nguồn vốn này hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Qua khảo sát thực tế, hiện nay, trên địa bàn huyện đang cần khoảng 70 tỷ đồng cho khoảng 14.000 hộ vay. Bà Lê Thị Bích Chi - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, toàn huyện có hơn 4.000 hộ đang cần vay hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn này.


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguồn vốn vay giải quyết việc làm được xem là một kênh vốn khá hiệu quả cho lao động địa phương. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã khi tiếp cận được nguồn vốn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Thế nhưng, nhiều năm qua, nguồn vốn này khá hạn chế. Do đó, Trung ương, tỉnh cần xem xét bố trí thêm nguồn vốn, tạo điều kiện cho người dân được vay, nhất là lao động vùng nông thôn, nhằm góp phần chuyển đổi nghề khu vực nông thôn.


Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, do đối tượng vay là người lao động nên kênh vốn này rất cần để tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân, nhất là địa bàn nông thôn khi họ không thuộc đối tượng vay vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo. Vì thế, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh vẫn liên tục kiến nghị Trung ương bổ sung vốn và ngân sách địa phương chuyển vốn cho đơn vị để cho vay.


VĂN GIANG