10:07, 29/07/2019

Trồng rừng theo Nghị định 75: Nhiều hộ không đủ điều kiện

Một trong những chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo nhanh, bền vững chính là khuyến khích, hỗ trợ cho họ trồng rừng sản xuất. Những ưu đãi của Nhà nước là rất thiết thực, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà đăng ký tham gia…

Một trong những chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm nghèo nhanh, bền vững chính là khuyến khích, hỗ trợ cho họ trồng rừng sản xuất. Những ưu đãi của Nhà nước là rất thiết thực, nhưng đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà đăng ký tham gia…


Ít hộ tham gia


Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 75 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020. Nội dung chính của nghị định này là khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ trồng rừng sản xuất, trợ cấp gạo cho hộ trồng rừng thay thế làm nương rẫy. Đây được xem là chính sách mang lại lợi ích kép, vừa giúp các hộ giảm nghèo, vừa phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, đến nay, có rất ít hộ tham gia trồng rừng.

 

Hiện nay, chưa có nhiều hộ đăng ký trồng rừng thay thế nương rẫy. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, chưa có nhiều hộ đăng ký trồng rừng thay thế nương rẫy.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Năm nay, toàn huyện chỉ có 20 hộ ở xã Ba Cụm Nam đăng ký trồng rừng, được trợ cấp gạo đối với tổng diện tích rừng trồng thay thế nương rẫy 22,15ha. Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ trồng rừng và trợ cấp gạo cho các hộ khoảng 230 triệu đồng. Hiện nay, địa phương đã hoàn tất hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.


Với phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, huyện Khánh Vĩnh rất chú trọng phát triển rừng sản xuất. Địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền để triển khai chính sách này nhưng năm nay không có hộ nào đăng ký trồng rừng. Theo lãnh đạo UBND xã Khánh Phú, năm 2019, xã có 35 hộ đăng ký trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, với tổng diện tích 54,3ha nhưng không có hộ nào đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị định 75. Nguyên nhân là diện tích đăng ký không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn huyện khi thực hiện Nghị định 75.


Theo lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Nghị định 75 có mục tiêu quan trọng là hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Các chế độ khuyến khích, hỗ trợ cũng rất thiết thực đối với đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc thực hiện khá chậm, chưa có giải pháp để thu hút các hộ tham gia. Vì vậy, toàn tỉnh chỉ mới có các hộ ở xã Ba Cụm Nam (Khánh Sơn) đăng ký.


Cần tháo gỡ khó khăn


Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tuy đã được triển khai về các địa phương nhưng năm 2019, chỉ có UBND huyện Khánh Sơn đăng ký trồng rừng sản xuất. Khó khăn lớn nhất các địa phương đang gặp phải là nhiều hộ thuộc đối tượng được thụ hưởng nhưng không có nhu cầu đăng ký trồng rừng; một số địa phương không còn quỹ đất để phát triển rừng sản xuất, có địa phương người dân có nhu cầu thì diện tích đất đăng ký trồng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không thuộc quy hoạch 3 loại rừng… Ngoài ra, về hỗ trợ trồng rừng sản xuất, hiện nay, ở nhiều địa phương đã phê duyệt các dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 38 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (với mức hỗ trợ tương tự Nghị định 75) nên chưa triển khai thực hiện theo Nghị định 75.  


Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, muốn các hộ đồng bào DTTS, thậm chí hộ người Kinh nghèo tại các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn tỉnh thụ hưởng được chính sách nói trên, các địa phương phải đẩy mạnh việc triển khai thực hiện; tuyên truyền vận động người dân đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các khó khăn, nhất là về quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Khi đó, các hộ nghèo mới đủ điều kiện tham gia. Một đối tượng mà các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để họ trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy đó là các hộ đồng bào DTTS nghèo được bóc tách, giao đất để phát triển sản xuất.


HẢI LĂNG

 


 

Triển khai Nghị định 75, UBND tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng tham gia thực hiện. Theo đó, mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất 10 triệu đồng/ha/6 năm đối với trồng rừng cây gỗ lớn; 8 triệu đồng/ha/4 năm đối với trồng rừng cây gỗ nhỏ.


Đối với trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, diện tích nương rẫy hỗ trợ tối thiểu từ 0,5ha trở lên; theo số khẩu thực tế của hộ nhưng không quá 4 khẩu/hộ, mỗi khẩu được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương đương 15kg gạo/khẩu/tháng; thời gian hỗ trợ gạo đối với trồng rừng cây gỗ lớn là 7 năm, đối với trồng rừng cây gỗ nhỏ là 4 năm.