10:07, 15/07/2019

Công tác dân số ở miền núi: Còn nhiều thách thức

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở khu vực miền núi đang gặp không ít thách thức do kinh phí thực hiện ngày càng cắt, giảm...

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình ở khu vực miền núi đang gặp không ít thách thức do kinh phí thực hiện ngày càng cắt, giảm...


Áp dụng nhiều biện pháp giảm sinh


Giảm sinh là mục tiêu chính trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) ở huyện miền núi. Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh đang có sự chênh lệch lớn mức sinh giữa các vùng, miền. Tỷ suất sinh của huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn còn ở mức cao (18,7 - 19,89‰) so với mức chung của tỉnh là 14,45‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn rất cao, từ 20 đến 25% so với tỷ lệ chung của tỉnh là 8,26%. Những năm gần đây, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại các xã: Khánh Phú và Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh); xã Ba Cụm Nam và Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn). Đây là những xã có mức sinh cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, người dân còn hạn chế về tiếp cận các dịch vụ chăm SKSS, KHHGĐ.

 

Truyền thông công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân huyện Khánh Sơn.

Truyền thông công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân huyện Khánh Sơn.


Bên cạnh việc vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chính quyền địa phương còn hỗ trợ kinh phí thực hiện cấy que tránh thai cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, nhu cầu cấy que tránh thai của đồng bào dân tộc thiểu số trên các địa bàn huyện khá cao. Từ năm 2018 đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện tư vấn cho 1.069 đối tượng; tổ chức 189 buổi sinh hoạt nhóm cho các đối tượng thuộc đề án chủ yếu là phụ nữ đang mang thai và chuẩn bị mang thai (về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh); cấy 203 que tránh thai, trong đó có 70 que tránh thai miễn phí do Trung ương cấp, 133 que còn lại là nguồn địa phương tự túc. Còn tại huyện Khánh Sơn, địa phương này đã triển khai tiêm thuốc tránh thai và cấy thuốc tránh thai cho 520 đối tượng; tuyên truyền cho 750 học sinh về SKSS vị thành niên, thanh niên nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Những thách thức


Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, công tác DS-KHHGĐ tỉnh vẫn đang đứng trước những khó khăn, vướng mắc. Thực hiện theo Thông tư số 26/2018 của Bộ Tài chính quy định về việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, việc cấp miễn phí phương tiện tránh thai; hỗ trợ dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh chỉ dành cho những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và một số đối tượng khác… Do đó, ngoài đối tượng được ưu tiên hỗ trợ theo chính sách thì những đối tượng còn lại và các hoạt động khác địa phương phải tự chủ động bảo đảm. “Nguồn chi hỗ trợ cho người làm công tác dân số ở cơ sở từ nhiều năm nay chưa được cấp kịp thời, các hoạt động truyền thông tại địa phương không có kinh phí thực hiện nên công tác truyền thông ở tuyến huyện và tuyến xã cũng bị mờ nhạt và mất tác dụng”, bà Nguyễn Trần Thúy Vân - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Khánh Sơn bày tỏ.


Mặt khác, tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số có con nhiều để được xét hộ nghèo. “Người dân luôn muốn được hưởng ưu đãi của Nhà nước nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện đều có sự biến động tăng cao”, ông Đặng Thanh Tuấn - Trưởng khoa Dân số - Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh nói. Hơn nữa, nguồn phương tiện tránh thai miễn phí từ chương trình mục tiêu thiếu, nguồn cung gián đoạn. Chương trình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai còn hạn chế, chưa được người dân hưởng ứng nhiều. Chương trình xã hội hóa các phương tiện tránh thai khó thực hiện, do không có đơn vị cung ứng phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh (trúng thầu theo quy định).


Với thực tế trên, bà Trần Thị Kim Oanh cho biết, tùy vào điều kiện, từng địa phương có thể triển khai các loại hình cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS,KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cho nhân dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biển, đảo và ven biển (ưu tiên các nhóm đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nam giới và nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn).


THANH TRÚC