11:05, 23/05/2019

Thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều: Sớm tháo gỡ những khó khăn

Trong quá trình áp dụng chính sách giảm nghèo đa chiều, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần sớm tháo gỡ.

Trong quá trình áp dụng chính sách giảm nghèo đa chiều, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần sớm tháo gỡ.


Nỗ lực giảm nghèo


Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ở mỗi địa phương. Do vậy, việc triển khai các chính sách, dự án giảm nghèo đa chiều được các cấp, ngành, địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện.

 

Việc hỗ trợ các hộ nghèo trồng bưởi da xanh của huyện Khánh Vĩnh đang đem lại hiệu quả.

Việc hỗ trợ các hộ nghèo trồng bưởi da xanh của huyện Khánh Vĩnh đang đem lại hiệu quả.


Trong chính sách về giáo dục, từ năm 2016 đến hết năm 2018, tỉnh đã miễn giảm học phí cho nhiều học sinh với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. 100% hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; hơn 39.000 lượt hộ nghèo được vay hơn 950 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động. Cùng với đó, các ngành, địa phương còn thực hiện hỗ trợ về phát triển sản xuất, sinh kế cho hơn 1.200 hộ nghèo với số tiền hơn 16 tỷ đồng và hơn 1.000 con bò cái sinh sản với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Ngoài ra, từ các nguồn kinh phí khác nhau, các ngành, địa phương còn hỗ trợ xây, sửa hơn 4.000 căn nhà với số tiền gần 50 tỷ đồng; cấp phát trên 15.000 đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo…


Từ những chính sách, dự án được triển khai đồng bộ, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được hơn 12.300 hộ nghèo (từ 27.392 hộ giảm xuống còn 15.035 hộ). Cơ sở hạ tầng được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của người dân được cải thiện. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được nhân rộng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên. Đặc biệt, tháng 7-2018, HĐND tỉnh đã thông qua 2 chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn tỉnh là: hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và khuyến khích thoát nghèo bền vững cũng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.


Còn nhiều khó khăn


Từ năm 2016, Trung ương không hỗ trợ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên nguồn lực giảm nghèo của tỉnh bị hạn chế. Việc hỗ trợ sinh kế và mô hình sản xuất cho hộ nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách và vốn để giải quyết các dịch vụ xã hội đang bị thiếu hụt như: nhà ở, nhà vệ sinh, nước sạch, tiếp cận thông tin… Các địa phương chưa huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo nên việc thoát nghèo chưa bền vững, nhất là các xã đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của nhiều hộ nghèo chưa cao, còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý thức tự lực vươn lên.


Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, hiện số hộ nghèo tập trung nhiều ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Các nguồn lực đầu tư khá nhiều nhưng chưa tập trung, đồng bộ. Các chính sách mới chỉ tập trung hỗ trợ đầu vào, đầu ra bị bỏ ngỏ. Ngoài ra, một số chính sách triển khai còn chậm như: hỗ trợ về nước sạch, bóc tách, giao đất rừng cho người dân sản xuất…


Sẽ tháo gỡ những vướng mắc


Ông Võ Bình Tân cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc thay đổi cách thức hỗ trợ, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân; đa dạng hóa nguồn vốn huy động; chú trọng hướng dẫn sản xuất theo hướng cầm tay chỉ việc. Đặc biệt, triển khai các chính sách một cách đồng bộ để tạo nguồn lực cho hộ nghèo vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.


Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ phân loại hộ nghèo để có những chính sách phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, tách riêng những người thuộc diện không có sức lao động như: người tàn tật, già yếu, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo thành nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Cùng với đó, các trung tâm khuyến nông sẽ tập trung vào nhiệm vụ liên kết, tạo đầu ra sản phẩm cho người dân, nhất là hộ nghèo.

 
Tại buổi giám sát về công tác giảm nghèo đa chiều mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung mọi nguồn lực giảm nghèo ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương; tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức vươn lên tự làm chủ, thoát nghèo bền vững đến người dân. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư, hỗ trợ về nước sạch, nhà ở, thông tin truyền thông cho hộ nghèo; quan tâm sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ cho các dự án trên địa bàn…


VĂN GIANG