09:04, 21/04/2019

Ninh Hòa: Đẩy mạnh dạy nghề cho phụ nữ

3 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ninh Hòa đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho phụ nữ. Qua đó, đã tạo việc làm cho nhiều người.

3 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ninh Hòa đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho phụ nữ. Qua đó, đã tạo việc làm cho nhiều người.


Tạo việc làm ổn định


Những năm trước, việc đào tạo nghề cho phụ nữ được xã Ninh Trung thực hiện theo hình thức giới thiệu việc làm cho hội viên ở các công ty, xí nghiệp kết hợp với đào tạo nghề tại cơ sở trong quá trình làm việc. Hình thức này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu, ngành nghề của cơ sở tuyển dụng và chỉ có thể giới thiệu được những phụ nữ dưới 30 tuổi, còn những phụ nữ lớn tuổi hoặc bị khuyết tật thì rất khó giới thiệu việc làm. Do đó, năm 2017, Hội Phụ nữ xã Ninh Trung đã mở lớp may công nghiệp, thu hút 34 học viên tham gia. Kết thúc khóa học, tất cả học viên đều xin được việc làm tại các công ty may đóng chân tại thị xã. Năm 2018, hội tiếp tục vận động và mở lớp dạy đan, thêu cho phụ nữ khuyết tật trên địa bàn xã; năm 2019, mở lớp dạy nấu ăn cho 35 học viên.

 

Nghề đan thêu giúp bà Nguyễn Thị Nở - người khuyết tật xã Ninh Trung có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

Nghề đan thêu giúp bà Nguyễn Thị Nở - người khuyết tật xã Ninh Trung có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.


Bà Trần Thị Nở - người khuyết tật ở xã Ninh Trung chia sẻ: “Sau khi học xong lớp thêu, tôi nhận thêu tại nhà, tiền công thêu mỗi bộ áo quần khoảng 50.000 đồng. Tuy ít, không ổn định nhưng cũng giúp tôi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống”. Đang theo học lớp dạy nấu ăn do Hội Phụ nữ xã mở, chị Trần Thị Thanh Huệ - hội viên Hội Phụ nữ xã Ninh Trung cho biết: “Những lớp học dạy nghề này rất có ý nghĩa, nhất là đối với phụ nữ lớn tuổi, chưa có việc làm như tôi. Sau khi học xong, có chứng chỉ, tôi có thể tự mở tiệm hoặc làm ở những cơ sở dịch vụ nấu ăn”.


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Trung, những học viên theo học các lớp này hầu hết chưa có việc làm, lớn tuổi, thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trước khi mở lớp, hội đều dựa trên nhu cầu thực tế để mở dạy các nghề phù hợp. Nhờ đó, sau khi kết thúc khóa học, hầu hết học viên đều có việc làm ổn định. Dự kiến năm 2019, hội sẽ mở lớp đào tạo pha chế nước uống cho khoảng 35 người.


Ở nhiều xã, phường như: Ninh Lộc, Ninh Ích, Ninh Giang, Ninh Hải, Ninh Hà…, nhiều phụ nữ đã có việc làm sau khi được học qua các lớp đào tạo nghề như trên.


Nhiều hoạt động  hỗ trợ


Dạy nghề là một trong nhiều hoạt động của Hội LHPN thị xã và các cấp hội nhằm giúp phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo. Những năm trước, các cấp hội chủ yếu tập trung vào hoạt động hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, xây dựng mái ấm tình thương, chăm sóc sức khỏe... Những năm gần đây, các cấp hội đẩy mạnh đào tạo nghề, tập trung nhiều vào nhóm phụ nữ lớn tuổi ở địa phương để giúp họ có được việc làm ổn định.


Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Ninh Hòa cho biết: “Từ năm 2016 - 2018, các cấp hội của thị xã đã phối hợp với các công ty, xí nghiệp, trung tâm mở các lớp đào tạo nghề cho gần 1.700 người. Qua đó, gần 2/3 người sau khi được đào tạo có việc làm ổn định. Đặc biệt năm 2018, có 14 người bị khuyết tật được học nghề thêu. Sau khóa học có 7 người có việc làm thường xuyên với mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng”.


Nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, 3 năm qua, Hội LHPN thị xã còn phối hợp với nhiều đơn vị liên quan mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn phụ nữ; giới thiệu việc làm cho gần 5.000 người. Đồng thời, duy trì thành công 1 hợp tác xã cung cấp các dịch vụ nông nghiệp; 10 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh nuôi cá thương phẩm, sản phẩm mây tre lá, trồng rau sạch, nuôi gà thả vườn, sản xuất kinh doanh bánh tráng, dịch vụ nấu ăn; 1 tổ dịch vụ gia đình… Qua đó, giúp nhiều hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

 

Theo bà Diễm, thời gian tới, hội sẽ chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, không đào tạo tràn lan. Trong đó, tập trung đào tạo những ngành nghề giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn, lớn tuổi có thể tự kinh doanh, sản xuất.


C.Đan