07:11, 17/11/2018

Áp thấp nhiệt đới gây gió giật cấp 9, biển động mạnh

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 17-11 đến ngày 19-11 ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến từ 70-150mm. Trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 17-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách đảo Phú Quý khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm ATNĐ.
 
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 13 giờ ngày 18-11, vị trí tâm ATNĐ ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
 
Do ảnh hưởng của ATNĐ nên ở phía Tây của khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông, gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Từ đêm 17-11, vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.

 

 
Do ảnh hưởng của ATNĐ, từ đêm 17-11 đến ngày 19-11 ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến từ 70-150mm. Trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận ở mức báo động 1 đến báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực trên.
 
Trước tình hình đó, thực hiện công văn chỉ đạo của trung ương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa vào chiều 17-11 đã có công điện gửi ban chỉ huy cấp huyện, các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai một số nội dung. Trong đó theo dõi chặt chẽ mức độ, hướng đi của ATNĐ, tổ chức theo dõi, kiểm đếm và giữ thông tin tàu thuyền hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc ra khởi của các các tàu thuyền. Ở khu vực trên bờ, theo dõi diễn biến mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực 24/24.
 
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, tính đến 16 giờ ngày 17-11, các đơn bị đã thống kê, kiểm đếm số người, tàu cá đang đánh bắt trên các vùng biển, chỉ đạo các đơn vị và tàu sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Qua thống kê, Khánh Hòa hiện có 361 tàu cá, 1.765 lao động đang đánh bắt ở các vùng biển gồm: ven biển Khánh Hòa 224 tàu, khu vực biển Ninh Thuận, Bình Thuận 28 tàu, khu vực biển Vũng Tàu 1 tàu, khu vực biển Kiên Giang 40 tàu và khu vực biển Trường Sa 68 tàu. Hiện các phương tiện này đã nắm bắt thông tin về ATNĐ và có kế hoạch chủ động phòng tránh. 
 
C.Đ