09:10, 10/10/2018

Khánh Sơn: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Hiện nay là thời kỳ cao điểm của mùa mưa tại Khánh Sơn (Khánh Hòa). Vì thế, địa phương đã chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm "4 tại chỗ", phòng là chính, ứng phó phải kịp thời.

 

Hiện nay là thời kỳ cao điểm của mùa mưa tại Khánh Sơn (Khánh Hòa). Vì thế, địa phương đã chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) với phương châm “4 tại chỗ”, phòng là chính, ứng phó phải kịp thời.


Chú trọng ở những khu vực xung yếu


Theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị tập trung xây dựng phương án PCTT-TKCN, kiện toàn ban chỉ huy của từng đơn vị, địa phương; chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kiểm tra, rà soát những khu vực trọng yếu dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức di dời các hộ ở những khu vực có nguy cơ đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn tập trung rà soát hộ gia đình có nhà cửa dễ bị ảnh hưởng và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn để có phương án hỗ trợ người dân PCTT.

 

Thi công công trình chống sạt lở bờ sông Tô Hạp.

Thi công công trình chống sạt lở bờ sông Tô Hạp.


Để tránh tình trạng xảy ra sự cố gây chia cắt giao thông, nhất là những địa bàn xung yếu, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra hoạt động của cầu, cống, cầu tràn, đảm bảo trọng tải cho phép của các phương tiện giao thông qua lại; kiểm tra, rà soát và tiến hành duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống đường ống nước sạch bị hư hỏng trước khi xảy ra mưa lũ. Trong đó, tập trung sửa chữa hư hỏng hoặc xây dựng mới một số cây cầu, đường giao thông, với kinh phí hơn 11 tỷ đồng.


Các xã: Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp được xác định là những khu vực xung yếu của huyện. Xã Ba Cụm Bắc là một trong những địa phương bị thiệt hại khá nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 12 cuối năm 2017. “Nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất hậu quả do mưa bão gây ra, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch các loại cây trồng trước khi mưa lũ xảy ra; có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, sức khỏe và tính mạng trong khi xảy ra mưa lũ. Đồng thời, xã tuyên truyền, vận động những hộ sinh sống ở khu vực xung yếu như: đoạn đường từ Đỉnh Đèo đi xã Ba Cụm Nam, khu vực xóm 2 (thôn Dốc Trầu), đường xóm 10 (thôn Tha Mang)… chủ động di dời đến nơi an toàn; không chủ quan đi qua sông suối, đập tràn trong mùa mưa lũ. Trong tình huống xảy ra mưa lũ kéo dài, toàn xã sẽ có 21 hộ (78 nhân khẩu) ở những nơi xung yếu phải di dời đến nơi an toàn”, bà Nguyễn Thị Ngọc - cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Ba Cụm Bắc cho biết.  


Sẵn sàng ứng phó


Hiện nay, các ngành, địa phương liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm, thuốc men để kịp thời cung ứng cho người dân trong tình huống xảy ra mưa lũ kéo dài, chia cắt giao thông tuyến Tỉnh lộ 9. “Trung tâm Dịch vụ - Thương mại miền núi huyện được phân bổ hơn 500 triệu đồng để mua hàng hóa như: gạo, mì gói và các mặt hàng thiết yếu để dự trữ tại cửa hàng của các xã trên địa bàn huyện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình huống mưa, lũ gây chia cắt giao thông”, ông Bùi Văn Chuyền - Phó Giám đốc trung tâm chia sẻ.  


Trung tá Lê Đình Thảo - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết, hàng năm, trước khi vào mùa mưa bão, đơn vị tiến hành kiểm tra, khảo sát địa bàn để nắm chắc các vùng xung yếu, đặc biệt là khu vực sạt lở và có nguy cơ ngập lụt để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chuẩn bị phương án và giao nhiệm vụ đến từng cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng giúp đỡ người dân trong công tác PCTT-TKCN. Bên cạnh các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động của huyện, đơn vị còn có 1 đại đội dự bị động viên làm nhiệm vụ khẩn cấp khi có lệnh. Đồng thời, hiệp đồng với Sư đoàn Phòng không 377 đảm bảo lực lượng để sẵn sàng ứng cứu, cơ động xuống địa bàn giúp dân khắc phục khi có bão lụt xảy ra.


Ông Phan Văn Sửu cho biết: “Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của huyện đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro trên địa bàn huyện. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cũng như các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn phối hợp thực hiện. Qua đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra đối với đời sống, sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong năm 2018”.


Đinh Luận