09:10, 10/10/2018

Có nên tăng giờ làm thêm?

Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến điều chỉnh tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm, thay vì 300 giờ như hiện nay. Đã có khá nhiều phản ứng về vấn đề này…
 

Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến điều chỉnh tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm, thay vì 300 giờ như hiện nay. Đã có khá nhiều phản ứng về vấn đề này…
 
 
Nhọc nhằn tăng ca
 
 
17 giờ chiều là thời điểm công nhân ở các nhà máy hết giờ làm trở về nhà. Tuy nhiên, tại Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) có không ít công nhân ở các công ty chế biến thủy sản và may mặc chuyển sang làm tăng ca. Trên từng khuôn mặt, ai cũng thấm mệt sau một ngày làm việc cật lực. Chị Nguyễn Thị Thu - công nhân một công ty may mặc cho biết: “Tiền tăng ca chỉ khoảng 1,5 - 2 triệu đồng, nên tổng thu nhập của tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Việc tăng ca nhiều khiến tôi rất mệt mỏi. Đã vậy, tôi còn không có nhiều thời gian chăm sóc con cái, gia đình. Theo tôi, không nên mở rộng khung giờ làm thêm. Còn nếu tăng giờ làm thêm thì tiền lương phải tăng lên gấp 3 lần, người lao động (NLĐ) được quyền tự lựa chọn có làm thêm hay không, doanh nghiệp không được ép buộc”.
 
Còn chị Trần Thị Thủy - công nhân Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Sakura (TP. Nha Trang) cho biết, suốt ngày đứng làm việc trong môi trường lạnh nên rất nhiều công nhân đau nhức xương, khớp. Làm việc đã mệt nhọc, ăn ca chưa đảm bảo dinh dưỡng cũng khiến sức khỏe của công nhân giảm sút nhanh. “Tôi không đồng tình tăng giờ làm thêm vì điều kiện sức khỏe, môi trường làm việc của công nhân chúng tôi còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nếu tăng giờ làm thêm sẽ khiến chúng tôi kiệt sức, chưa kể phải đối mặt với nhiều bệnh tật khác. Bên cạnh đó, mức lương cơ bản và lương làm thêm giờ còn thấp, có làm thêm giờ cũng không cải thiện điều kiện cuộc sống”, chị Thủy chia sẻ. 
 
Tuy nhiên, ở góc độ của chủ sử dụng lao động, lãnh đạo của một công ty chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Suối Dầu cho biết, việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm là một giải pháp tốt cho doanh nghiệp. Công ty thường có nhiều đơn hàng đột xuất, giờ làm chính công nhân sản xuất không đủ hàng, trong khi lao động tuyển dụng thì không có. Vì vậy, đơn vị rất muốn NLĐ tăng ca, làm thêm giờ theo thỏa thuận. Đây là cơ hội để cả hai bên cùng có lợi.
 
 
Giờ tăng ca của công nhân một công ty chế biến thủy sản ở  Khu công nghiệp Suối Dầu.

Giờ tăng ca của công nhân một công ty chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Suối Dầu.

 
 
Phải để người lao động tự quyết 
 
Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, phần lớn NLĐ không mong muốn làm thêm nhưng vì thu nhập còn thấp nên họ phải chấp nhận. Theo quy định, thời gian tăng ca chỉ 30 giờ/tháng, thế nhưng ở các doanh nghiệp này thời gian tăng ca trung bình từ 40 đến 50 giờ/tháng. Thu nhập trung bình từ tăng ca chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng, không đủ cải thiện điều kiện sinh hoạt của NLĐ.
 
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay, tình trạng công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, suy giảm sức khỏe do làm việc quá sức ngày càng tăng. Qua khám sức khỏe cho hơn 20.000 NLĐ đã phát hiện gần 1.000 người nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp. Trung tâm lấy gần 10.000 mẫu đo về môi trường lao động như: bụi, ánh sáng, ồn, rung, hơi khí độc, vi sinh không khí, nhiệt độ, bức xạ tử ngoại… đã phát hiện hơn 800 mẫu không đạt tiêu chuẩn môi trường lao động. Nguyên nhân dẫn đến sức khỏe NLĐ bị suy giảm là do làm việc quá sức, ăn uống thiếu chất, môi trường làm việc trong các doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Việc công nhân làm tăng ca thu nhập có tăng lên chút ít nhưng ngược lại sức khỏe suy giảm rất nhanh, đặc biệt là lao động nữ.   
 
Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, so với các nước phát triển, giờ làm của NLĐ ở nước ta tương đối cao. Trong khi điều kiện lao động, sức khỏe của NLĐ Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định. Do tiền lương tối thiểu của công nhân còn thấp nên không ít người vẫn muốn làm thêm để có thêm thu nhập. Vì thế, có thể xem xét việc mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ về làm thêm giờ lên hơn 300 giờ/năm và không được vượt quá 400 giờ/năm. Tuy nhiên, việc làm thêm giờ phải do NLĐ quyết định và phía doanh nghiệp không được ép buộc NLĐ phải làm thêm giờ. Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ thì phải nâng mức lương làm thêm giờ và bảo đảm được trả theo lũy tiến, càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng lương cao. 
 
PHÚ AN