03:06, 15/06/2013

Ngưng dự án tỷ đô

Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin chấm dứt đầu tư Dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong tại khu vực Mũi Du, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.

Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (PVSB), thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin chấm dứt đầu tư Dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong tại khu vực Mũi Du, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa.


Không đủ nguồn lực để đầu tư


Tháng 3-2011, Chính phủ có văn bản gửi UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án Căn cứ dịch vụ dầu khí Vân Phong, thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong. Tháng 5-2011, Ban quản lý (BQL) KKT Vân Phong cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong cho PVSB. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 25.772 tỷ đồng (khoảng 1,35 tỷ USD), trên tổng diện tích 615,8ha (345,8ha đất, 270ha mặt nước). Theo kế hoạch, dự án được đầu tư thực hiện theo 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, chủ đầu tư đã xin ngưng dự án tỷ đô này.


Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng BQL KKT Vân Phong cho biết: Phía PVSB thông báo xin ngưng dự án vì không thể kêu gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài ngành dầu khí tham gia đầu tư dự án. PVSB nói rằng, hiện nay họ đang đầu tư rất nhiều dự án khác và phần lớn đang dở dang nên không đủ nguồn lực để đầu tư tiếp vào Căn cứ dịch vụ dầu khí Vân Phong. Việc kêu gọi đầu tư, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng bất thành. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, tại khu vực mà BQL KKT Vân Phong cấp giấy chứng nhận đầu tư cho PVSB, đầu năm 2008, Tập đoàn STX (Hàn Quốc) cũng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD trên diện tích hơn 100ha tại khu vực Mũi Du. Thời điểm đó, STX Vina được coi là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất ở KKT Vân Phong. Dự án đặt mục tiêu đóng mới tàu chở container và tàu chở dầu loại lớn; chế tạo phương tiện phục vụ khai thác và sản xuất dầu khí ngoài khơi, động cơ diesel tàu thủy..., nhưng do gặp một số khó khăn nên Tập đoàn STX không triển khai thực hiện dự án. Cuối cùng, tháng 6-2010, UBND tỉnh đã rút giấy phép dự án này.

 

 H2: Người dân hào hứng khi được chính quyền cho quay lại sản xuất trên đất của mình đã bị thu hồi, giải tỏa.
Người dân hào hứng khi được chính quyền cho quay lại sản xuất trên đất của mình đã bị thu hồi, giải tỏa.


Quay lại sản xuất trên đất dự án


Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết thêm, kể từ khi đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn STX và sau này là PVSB, tỉnh đã bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để thực hiện nhiều phần việc như: giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông phục vụ dự án, xây dựng khu tái định cư... Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên các nhà đầu tư không triển khai dự án. Còn theo ông Trịnh Nhơn - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong chiếm hầu hết diện tích đất sản xuất của khoảng hơn 100 hộ dân, trong đó chủ yếu là đất làm muối. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề sản xuất muối, nên khi dự án treo từ năm 2008, họ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất. Mới đây, khi BQL KKT Vân Phong thông báo ngưng dự án Căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong, phường đã thông báo cho người dân tiếp tục sản xuất trên đất muối của mình bình thường, chờ khi dự án khác được triển khai.


Ông Trần Minh Hòa (trú thôn Đông Hà, phường Ninh Hải) cho biết: “Năm 2008, khi chính quyền nói giao đất cho dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina với lời hứa con em chúng tôi sẽ được tạo việc làm, chúng tôi đã đồng ý. Nhưng thực tế, chúng tôi là nông dân, quanh năm làm muối thì tay nghề đâu mà vào những chỗ đó. Họ nói hỗ trợ dạy nghề nhưng chỉ được từ 1 đến 2 triệu đồng/người, trong khi muốn thành nghề phải mất hơn 20 triệu đồng. Còn chúng tôi, không làm muối thì chẳng biết làm gì khác”.


NAM ĐÀN - THÀNH LONG