08:06, 05/06/2013

Chưa hết nỗi lo thiếu nước

Cam Lâm là huyện có nhiều khu vực khô hạn. Những năm qua, địa phương đã được đầu tư một số hệ thống cấp nước, thế nhưng hiện nay vẫn còn những địa bàn thiếu nước…

Cam Lâm (Khánh Hòa) là huyện có nhiều khu vực khô hạn. Những năm qua, địa phương đã được đầu tư một số hệ thống cấp nước, thế nhưng hiện nay vẫn còn những địa bàn thiếu nước…


Khát nước

Một giếng nước ở xã Cam Hải Tây đã cạn đáy.
Một giếng nước ở xã Cam Hải Tây đã cạn đáy.


Trên đường vào Tịnh xá Ngọc Châu có khoảng 50 hộ dân sinh sống. Đây là khu vực thiếu nước sinh hoạt (NSH) trầm trọng của thôn Bãi Giếng 2 (xã Cam Hải Tây). Quanh năm, giếng nước của nhà bà Tạ Thị Long Phương nhiễm phèn, nhưng hiện nay cũng đã gần cạn. Giếng này có 3 hộ với 15 người sử dụng. Chỉ vào các bể đựng nước để lắng lọc, đánh phèn, chị Nguyễn Thị Thanh Vân - con gái bà Phương cho biết, từ nhỏ đến giờ, chị toàn dùng nước giếng của nhà mẹ. Qua quan sát, chúng tôi thấy nước trong bể có màu hơi vàng, nổi váng. Nhà chị Vân dùng nước này để giặt giũ, tưới cây; còn nước ăn uống, chị phải mua quanh năm. Nhà bà Phương thì dùng nước giếng cho mọi sinh hoạt… Dẫu vậy, mấy tháng mùa khô, những hộ này vẫn phải mua nước với giá 70.000 đồng/xe 2m3, nếu sử dụng tiết kiệm thì được khoảng 1 tuần. Chi phí này là đáng kể với hộ có thu nhập thấp… Dù có kinh tế khá hơn nhưng anh Lê Viết Vinh - nhà gần đó cho biết, tiền mua NSH cũng đủ… chóng mặt! Giếng nhà anh đào sâu tới 11m thì đụng đá nên không đào được, cũng chẳng có giọt nước nào. Anh phải đầu tư một chiếc xe kéo gắn bồn chứa dung tích 1.000 lít để tự mua nước giếng từ nơi khác về sử dụng. Anh Vinh nhẩm tính, gia đình anh 4 người; mỗi tháng, tiền NSH hết khoảng 450 ngàn đồng, nước tưới cho vườn xoài và cây cảnh khoảng 200 ngàn đồng/đợt, tính ra đến hơn 3,4 triệu đồng/tháng.

Nhà ở vị trí cao nên ông Bo Bo Khanh (xã Sơn Tân) luôn trữ sẵn nhiều đồ đựng nước.
Nhà ở vị trí cao nên ông Bo Bo Khanh (xã Sơn Tân) luôn trữ sẵn nhiều đồ đựng nước.


Theo khảo sát năm 2009 của Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, thực hiện viện trợ ODA), ở thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) có 15% hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn, 15% bị nhiễm phèn. Đây là thôn thiếu nước nhất xã, riêng xóm Chài thiếu nước nhất thôn. Ông Nguyễn Dương - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây cho biết, khoảng 40% dân trong xã phải mua nước. 1 tháng trở lại đây, xã mới có hệ thống cấp nước (HTCN)  từ Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Cam Lâm - Copacwaco (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thái Bình Dương), cung cấp cho khoảng 200 hộ dân ở thôn Bãi Giếng 2 và một phần thôn Tân Hải. Ở những nơi chưa lắp đặt được đường ống nước máy, tình hình vẫn căng thẳng. Ông Nguyễn Sĩ - Thôn trưởng thôn Bãi Giếng 2 cho biết, cả thôn có khoảng 570 hộ, hiện nay mới gần 100 hộ được dùng nước máy.


Tại xã Cam An Bắc, ông Trần Quang Minh - Trưởng thôn Tân An cho biết: “Ở đây đào nơi nào cũng có nước, nhưng chỉ 50% số hộ đào được nước ngọt, còn lại đều pha mặn. Tuy nhiên, chưa có cuộc khảo sát nước ngầm quy mô nào để xác định mạch nước ngọt”. Ông Nguyễn Ngọc Tiên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hệ thống cấp NSH cung cấp cho xã là hệ thống bơm dẫn nước ngầm… Chỉ vào tháp nước đặt trong vườn nhà, bà Hồ Thị Biết - người dân trong thôn nói: “Trước đây, gia đình tôi đồng ý cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) tỉnh đặt tháp nước này để trữ nước, rồi bơm tiếp về nhà dân; nhưng 2 - 3 năm nay, đồng hồ nước đã bị hư, đường ống cũng bị gỉ sét, nước lên khó. Hiện nay, nhà tôi vẫn phải sử dụng nước giếng cũ tự đào”…

Nước giếng nhà bà Tạ Thị Long Phương phải lắng lọc trước khi sử dụng.
Nước giếng nhà bà Tạ Thị Long Phương phải lắng lọc trước khi sử dụng.


Theo bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, tuy đã có nhà máy nước nhưng Cam Lâm vẫn còn thiếu NSH, nhất là ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc. Ông Nguyễn Ta - Phó Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất là thiếu nước mặt. Nhiều xã chỉ trông chờ vào nguồn nước lấy từ hồ Tà Rục (xã Cam Phước Tây), hồ Tà luy (xã Cam Hiệp Bắc và Cam Hiệp Nam). Năm 1997, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh đã đầu tư hệ thống khoan nước ngầm ở các xã: Suối Cát, Cam Hiệp Bắc, Cam An Bắc, nhưng hệ thống bơm tay dần bị gỉ sét, giếng khoan cũng bị nhiễm phèn, chỉ còn một số sử dụng được nhưng lại bị cạn về mùa khô…


Giao cho xã quản lý chưa ổn


Vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức đợt giám sát chuyên đề Chương trình Nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, huyện Cam Lâm đã và đang tổ chức đoàn liên ngành đi khảo sát tình hình quản lý, sử dụng hệ thống cấp NSH trên toàn huyện. Kết quả bước đầu cho thấy, không chỉ thiếu nước, vấn đề quản lý hệ thống cũng cần được đặt ra.

Hệ thống nước cung cấp cho đồng bào dân tộc Raglai ở xã Cam Hiệp Bắc hoạt động khá tốt.
Hệ thống nước cung cấp cho đồng bào dân tộc Raglai ở xã Cam Hiệp Bắc hoạt động khá tốt.


Ông Trần Quang Minh cho biết, hệ thống cấp NSH ở thôn Tân An gồm 2 giếng, có từ năm 2005, phục vụ khoảng 240 hộ dân. Hiện nay, một giếng không còn sử dụng vì nhiều hộ dân tự đào giếng để không phải đi gánh nước xa, nên khả năng sẽ giao lại giếng này cho nhà mẫu giáo thôn; còn một giếng đặt tại nhà ông đang cung cấp nước cho khoảng 50 hộ sử dụng. Xã thực hiện giá bán 3.700 đồng/m3 nhưng thu không đủ bù chi, sắp tới sẽ đề nghị tăng giá nước để bù đắp tiền điện và hỗ trợ 2 người quản lý trực tiếp (bơm nước và thu tiền ở các hộ dân).


Theo ông Tro Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, hệ thống cấp nước của xã được xây dựng từ năm 2004 với tổng kinh phí 620 triệu đồng, cung cấp nước cho 80 hộ. Hệ thống đang hoạt động bình thường, nhưng nước kéo về một số nhà dân còn yếu do địa hình miền núi. Đây là hệ thống nước tự chảy không thu tiền, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Mang Trạch - người được giao quản lý bồn nước ở thôn Va Li (xã Sơn Tân) cho biết, các họng nước đều có van khóa, nhưng một số người dân dùng xong lại quên khóa van, ông phải thường xuyên nhắc nhở hoặc tới đóng van…


Theo báo cáo phục vụ đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, hầu hết giếng khoan, hệ thống nối mạng nhỏ ở huyện Cam Lâm đã được đầu tư nhiều năm nên khả năng hoạt động thấp. Máy bơm hoạt động liên tục nên thường xuyên bị hỏng, khiến việc cấp nước bị gián đoạn. Chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng NSH. Trong tương lai, hệ thống cấp nước tự chảy cũng cần được thay thế bằng các hệ thống cấp nước tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sạch nông thôn và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Phần lớn công trình cấp nước tập trung do Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh đầu tư từ năm 2006 đã bị hỏng, xuống cấp. Các công trình cấp nước tập trung do huyện làm chủ đầu tư từ năm 2007 đến nay đã bước đầu đáp ứng một phần nhu cầu nước của người dân trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng NSH; người quản lý vận hành kiêm nhiệm, không có chuyên môn; hầu hết công trình giao cho xã quản lý thu không đủ bù chi nên không có kinh phí bảo dưỡng, dẫn tới mau xuống cấp.

 

NGUYỄN VŨ - NAM DU

 


 



Trên địa bàn Cam Lâm có 41 công trình cấp nước, trong đó có 6 công trình cấp nước tập trung tại các xã: Suối Cát, Suối Tân, Sơn Tân, Cam Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Thành Bắc; 35 hệ thống cấp nước nối mạng nhỏ ở các xã: Cam Phước Tây, Suối Cát, Cam Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam. Hiện nay, còn 12 hệ thống giếng khoan, nối mạng nhỏ, 1 hệ thống nước tự chảy và 5 hệ thống xử lý nước mặt còn hoạt động.


Nhà máy nước của Copacwaco có công suất 12.000m3/ngày đêm. Hiện nay, công suất sử dụng là 3.000m3/ngày đêm; trong đó, NSH cho dân cư (2.000 hộ) khoảng 700 m3/ngày đêm. Dự kiến, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thái Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai dự án cấp nước tại xã Cam Hiệp Nam và Cam Hiệp Bắc cũng như 4 thôn còn lại của xã Cam Thành Bắc. Đối với xã Cam Hải Tây, hiện nay, Công ty chưa có chủ trương đầu tư. Trong tương lai, Công ty có khả năng cung cấp nước cho hơn 80% số hộ trên địa bàn huyện.


Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: Rất khó xác định mô hình quản lý công trình nước sạch sau khi đã đầu tư, bàn giao cho các xã. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt để sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước. Huyện đang có hướng từng bước đưa các công trình cấp nước về một đầu mối quản lý là đơn vị Copacwaco. Trước mắt, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ dân đăng ký lắp đặt nước máy nhiều hơn nhằm phát huy tối đa công suất của nhà máy.