07:11, 13/11/2012

Tuổi cao vẫn làm kinh tế giỏi

Ông Phạm Trự (72 tuổi, ở thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Trự (72 tuổi, ở thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Đến thăm gia đình ông Phạm Trự, chúng tôi như lạc vào một rừng xoài, chôm chôm xanh tươi, hoa trái đầy cành. Ông Trự cho biết: “Có được cơ ngơi vững chắc, con cháu trưởng thành như ngày hôm nay, gia đình tôi đã trải qua một thời gian dài khó nhọc. Trước đây, toàn bộ khu đất vườn đồi rộng hơn 5ha này là đất hoang hóa, bạc màu. Tuy nhiên, khu đất này có con suối nước chảy quanh năm. Thấy đây là một lợi thế, tôi đã mạnh dạn vay vốn của họ hàng, bà con lối xóm mua lại khu đất để khai hoang”.

Sau khi mua được đất, hàng ngày, gia đình ông miệt mài cải tạo. Ông đã lặn lội tìm đến những địa phương có điều kiện địa hình và thổ nhưỡng giống khu đất này để học hỏi kinh nghiệm, đem về áp dụng. Cứ thế, ròng rã năm này qua năm khác, ông đã cải tạo thành công 5ha đất hoang hóa thành đất sản xuất. Từ đó, ông lên kế hoạch phát triển kinh tế theo mô hình vườn đồi một cách bài bản. Biết cây xoài là thế mạnh ở Cam Lâm, ông đã mạnh dạn đưa vào trồng đại trà hơn 300 gốc xoài Cát Hòa Lộc, Tai Tượng, Tứ Quý, Úc. Xen với trồng xoài, ông còn trồng hơn 20 cây chôm chôm và hơn 2ha bạch đàn, chuối, sả; đồng thời mở trang trại nuôi gà thả vườn, bò và nuôi heo đen...

DSCF-1133: Hàng ngày, ông Phạm Trự vẫn tham gia chăm sóc khu vườn đồi của gia đình.  DSCF-1148: Ông Phạm Trự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chôm chôm cho con cháu.
Hàng ngày, ông Phạm Trự vẫn tham gia chăm sóc khu vườn đồi của gia đình.

Hiện nay, gia đình ông đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Thế Hưng - người làm thuê cho ông Trự chia sẻ: “Do gia đình tôi nghèo, không có điều kiện ăn học, không có bằng cấp nên khó đi xin việc. Thấy vậy, ông Trự đã nhận tôi vào chăm sóc khu vườn với mức lương phù hợp. Đặc biệt, làm việc tại đây, ông Trự còn truyền kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho người lao động. Từ những điều đã học được cùng với sự giúp đỡ của ông về vốn, hiện nay, gia đình tôi cũng đang phát triển mô hình vườn đồi, mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát được nghèo, con cái được đến trường...”.

Giờ đây, mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình ông Trự cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Có tiền, ông đầu tư máy móc và đường ống dẫn nước tưới để phục vụ sản xuất nhằm giảm công lao động, tăng năng suất. Gia đình có điều kiện kinh tế khá nên con, cháu của ông đều được ăn học thành tài. Bản thân ông luôn được mọi người kính trọng, quý mến. Ông Trự tâm sự: “Dù công việc có bận đến đâu tôi cũng sắp xếp thời gian hợp lý để dạy bảo con cháu học tập. Tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như trước nhưng tôi vẫn tiếp tục lao động để làm gương cho con cháu”.

Ông Phạm Trự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chôm chôm cho con cháu.
Ông Phạm Trự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chôm chôm cho con cháu.

Ông Nguyễn Tân - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Suối Cát cho biết: “Tuy tuổi cao nhưng ông Trự vẫn có những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình và các phong trào của địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trự còn rất hòa đồng với mọi người, tích cực vận động bà con địa phương chung tay xây dựng kinh tế gia đình. Ông là tấm gương sáng về lao động, sản xuất để thế hệ trẻ học tập, noi theo...”.

VĂN GIANG

Ông Lê Quý Hùng - chuyên trách Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Cam Lâm: Triển khai phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, chúng tôi thường xuyên vận động các hội viên còn sức khỏe tích cực tham gia lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, phong trào thu hút 3.215 hội viên tham gia, trong đó có hàng trăm cụ làm chủ các trang trại cho thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.