09:04, 17/04/2020

Những món đồ chơi thuở ấu thơ

Đang mùa dịch, trẻ con nghỉ học, được gửi sang nhà ông bà. Ở nhà hoài cũng buồn, chúng hết chơi trò này đến trò khác, rồi lại cắm đầu vào điện thoại, máy tính bảng. Nhìn đống đồ chơi hiện đại như ô tô chạy pin, trực thăng điều khiển từ xa, robot... cho cháu trai, đồ hàng làm bánh, nấu bếp, búp bê đủ loại... cho cháu gái, tôi chợt nhớ những món đồ chơi giản dị tự làm thuở ấu thơ...

Đang mùa dịch, trẻ con nghỉ học, được gửi sang nhà ông bà. Ở nhà hoài cũng buồn, chúng hết chơi trò này đến trò khác, rồi lại cắm đầu vào điện thoại, máy tính bảng. Nhìn đống đồ chơi hiện đại như ô tô chạy pin, trực thăng điều khiển từ xa, robot... cho cháu trai, đồ hàng làm bánh, nấu bếp, búp bê đủ loại... cho cháu gái, tôi chợt nhớ những món đồ chơi giản dị tự làm thuở ấu thơ...

 


Đơn giản nhất là những con vật bằng lá mít rụng trong vườn bà Năm hàng xóm. Chọn những cái lá to, còn nguyên cuống, xé 2 đường gân phụ đối xứng nhau trên mặt lá, cài lại bằng cái gai chanh. Uốn cong lá lại, xỏ cuống xuyên qua phần thân lá ở gần chót, cài thêm 4 mẩu que tăm thành chân, còn đuôi là sợi chỉ đen vung vẩy... Vậy là có một chú trâu (nếu lá mít xanh), con nghé (lá non) hoặc chị bò (lá vàng) với đầy đủ sừng, chân, đuôi. Thêm sợi dây dừa vào mõm để dắt đi, rê rê trên mặt đất. Thỉnh thoảng lại cho chúng húc nhau xem con nào to khỏe hơn để reo hò, cổ vũ, vui nổ trời.


Ngày ấy, trong vườn nhà nào cũng trồng chuối nên súng bẹ chuối rất thông dụng: dài cỡ nửa mét là súng trường; súng lục khoảng 1 gang, gắn thêm đoạn ngắn hơn làm báng súng; súng liên thanh gồm 2, 3 bẹ chuối ghép lại... Tiếp đó, cắt vát vài nhát thẳng hàng, cách nhau chừng 7 đến 8 cm trên phần sống lưng tàu chuối. Thêm cái dây buộc 2 đầu và cuối súng để đeo bên hông, lắc lư cho oai. “Lên đạn” là dựng những miếng vát thẳng lên rồi “bắn”: vuốt mạnh để các miếng vát rạp xuống, thành những tiếng “rốp”, “rốp” vui tai. Bọn trẻ thi nhau xem súng ai nổ to nhất. Vui ghê!


Một món đồ chơi đứa nào cũng có ngày ấy là những chiếc đồng hồ tết bằng là dứa, lá chuối hay lá dừa, đầy đủ kim phút, kim giờ, dây đeo... để thỉnh thoảng lại đưa lên tai, giả bộ nghe tiếng tích tắc rồi vui vẻ trả lời khi ai đó hỏi giờ…


Với các cô bé, món trang sức không thể thiếu là những chiếc vòng cổ, vòng đeo tay lá sắn. Bẻ đầu cuộng sắn thành từng đoạn nhỏ chừng 0,5cm, dính vào nhau. Phần cuối cuộng ngắt bớt lá, chừa lại một chút làm cái hoa nhỏ... Vậy là có cái vòng cổ hay vòng đeo tay tuyệt đẹp, xúng xính đeo suốt ngày. Cuối đông, những vồng hoa cải vàng rực là nguyên liệu để chế biến vương miện hay vòng hoa. Đứa con gái nào cũng mong ngóng đến lượt mình trở thành công chúa hoặc cô dâu. Miệng cười chúm chím, mắt sáng rỡ, lòng nôn nao, vô cùng hạnh phúc khi được đội lên đầu chiếc vương miện hay vòng hoa vàng tuyệt đẹp ấy...


Một đồ chơi khác của anh Hai khiến chúng tôi mê mệt là “xem phim”. Đầu tiên, anh vẽ nội dung “phim” trên một đoạn giấy trắng dài chừng 3-4cm, quấn vào 2 đoạn tre tròn, đặt trong máy chiếu là hộp các-ton nhỏ chừng bàn tay, có khoét 4 cái lỗ đối xứng nhau 2 bên hông hộp. “Màn hình” là mặt trước hộp cắt thành hình chữ nhật. Khi “chiếu”, một tay quay que tre bên trái, tay kia quay que bên phải, phim sẽ hiện lên “màn hình”, kèm thuyết minh của anh Hai. Hết phim này sẽ chiếu phim khác, như: “Rùa và thỏ”, “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, “Nàng công chúa Tuyết”…, khiến chúng tôi xem hoài không chán...


Chợt nghĩ, giá như đang sống ở nông thôn, ông bà sẽ truyền cảm hứng, cùng bọn trẻ chế biến những thứ đồ chơi “cây nhà lá vườn” như ngày ấy, chắc chắn bọn trẻ sẽ rất vui và thích thú, không còn buồn chán vì nhớ trường nhớ lớp... 

                          
TRẦN THỊ GIAO THỦY