12:04, 30/04/2021

Khát vọng hòa bình của Trịnh Công Sơn

Trong những ngày này, tôi chợt nhớ về những ca khúc luôn đau đáu khát vọng hòa bình, đất nước thống nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những năm dài đạn bom cày xới trên đất nước!

Trong những ngày này, tôi chợt nhớ về những ca khúc luôn đau đáu khát vọng hòa bình, đất nước thống nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những năm dài đạn bom cày xới trên đất nước!

 

Chiều 30-4-1975, trong khi cả nước đang reo mừng chiến thắng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đến Đài Phát thanh Sài Gòn để hát Nối vòng tay lớn, kêu gọi tinh thần hòa hợp dân tộc. Những lời hát tươi vui rộn ràng, cùng lời kêu gọi đầy nhiệt huyết được hun đúc từ tình yêu quê hương, nòi giống dân tộc Việt đã vang lên trên sóng phát thanh trong ngày thống nhất.


Từ những ca khúc đầy khát vọng…


Khởi đầu bằng những bản nhạc tình nhưng với việc đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, chiến tranh leo thang, Trịnh Công Sơn đã sớm bước sang địa hạt âm nhạc “phản chiến”. Chứng kiến bao đau thương, khát vọng hòa bình của người nghệ sĩ càng trở nên tha thiết trong những ca khúc: Chờ nhìn quê hương sáng chói, Ta thấy gì trong đêm nay, Huế - Sài Gòn - Hà Nội… Ông mong mỏi ngày quê hương “không có đạn bay”, “không chông mìn” để “tiếng chân trẻ rộn ràng”, cho “tay mẹ nồng nàn” và “trời đất yên vui”.


Từ khát khao hòa bình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong ngóng về ngày đất nước thống nhất. “Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa. Bàn tay thân ái lòng không biên giới. Anh em ơi lắng nghe tình nhau. Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu. Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu. Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao” (Huế - Sài Gòn - Hà Nội). Và ngày đó, ông sẽ rong ruổi khắp mọi miền, sẻ chia niềm vui sum họp: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng. Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam. Tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình” (Tôi sẽ đi thăm).


Đến lời kêu gọi hòa bình


Có những lúc nhạc sĩ tưởng như đã với tay tới hòa bình. Ông mừng rỡ ôm đàn reo vui: “Rừng núi loan tin đến mọi miền. Gió hòa bình bay về muôn hướng. Ngày vui con nước trôi nhanh. Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù” (Ta thấy gì trong đêm nay). Nhưng cái mong ước đó phải đến ngày 30-4-1975 mới thành hiện thực. Thế nên không có gì lạ, khi giờ phút thiêng liêng ấy đến, Trịnh Công Sơn đã hồ hởi đến Đài Phát thanh Sài Gòn hát mừng đất nước hòa bình, thống nhất. Hơn thế, ở thời khắc nhạy cảm, ông kêu gọi mọi người ở lại với đất nước: “Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam... Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam… Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam...”.


Như họa sĩ Bửu Chỉ đã từng nhận định, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ chân chính “chỉ biết sống và rung cảm bằng một quả tim trung thực và dùng tài năng của mình để nói lên điều mà con tim muốn nói”. Vâng! Trịnh Công Sơn trong giờ phút quan trọng nhất, ông đã đứng về phía lương tri và phẩm giá, về phía cách mạng.


46 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, nhưng mỗi khi nghe lại những lời kêu gọi đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta không khỏi xúc động về tinh thần yêu chuộng hòa bình, yêu quê hương đất nước của ông. Và càng vui hơn khi thấy đất nước ngày càng phát triển, nhiều người ra đi cũng đã trở về để cùng chung tay xây dựng quê hương đẹp giàu!

 

Khát vọng hòa bình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn thể hiện rõ nét trong bản thảo lá thư hồi âm cho danh ca Joan Baez. Thư có đoạn: “Khát vọng về hòa bình, về tình yêu, về hạnh phúc, chính chúng tôi cần hơn bất cứ ai trên cuộc đời này. Tôi không muốn kể ra đây thật nhiều thí dụ, nhưng tôi tin rằng, chị chẳng bao giờ biết được trong những nhà tù cũ tại Việt Nam, có những người ở tù từ năm 1954 chưa hề biết đến ổ bánh mì là gì.


Làm thế nào nói cho hết được về con người trong một xứ sở mà chiến tranh đè nặng suốt hơn một nghìn năm. Và số phận của những con người ấy sẽ như thế nào, nếu không có cuộc cách mạng vừa qua mang lại độc lập và thống nhất trên đất nước chúng tôi...”.

 



THÀNH NGUYỄN


.