12:04, 30/04/2021

Những nét nhạc từ điều giản dị

Với âm nhạc, người ta đều nghĩ đến những giai điệu tràn đầy nét thơ cùng lời ca lãng mạn như tâm hồn con người. Vậy mà trong kho tàng âm nhạc cách mạng thế kỷ XX có rất nhiều bài hát đầy cảm xúc mà không thiếu chất thơ từ những hiện vật giản dị, mộc mạc như: Cây gậy (Chiếc gậy Trường Sơn - Phạm Tuyên); chiếc võng (Bài ca trên cánh võng - Nguyên Nhung), chiếc ba lô (Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện - Hoàng Tạo), tấm áo (Tấm áo mẹ vá năm xưa - Nguyễn Văn Tý), quả đạn pháo (Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Lư Nhất Vũ), cây đàn ghita (Cây đàn ghita một dây - Minh Quang), bếp lửa (Nổi lửa lên em - Huy Du)… Còn rất nhiều bài nữa và những bài hát đó đều nổi tiếng, được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ.

Với âm nhạc, người ta đều nghĩ đến những giai điệu tràn đầy nét thơ cùng lời ca lãng mạn như tâm hồn con người. Vậy mà trong kho tàng âm nhạc cách mạng thế kỷ XX có rất nhiều bài hát đầy cảm xúc mà không thiếu chất thơ từ những hiện vật giản dị, mộc mạc như: Cây gậy (Chiếc gậy Trường Sơn - Phạm Tuyên); chiếc võng (Bài ca trên cánh võng - Nguyên Nhung), chiếc ba lô (Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện - Hoàng Tạo), tấm áo (Tấm áo mẹ vá năm xưa - Nguyễn Văn Tý), quả đạn pháo (Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Lư Nhất Vũ), cây đàn ghita (Cây đàn ghita một dây - Minh Quang), bếp lửa (Nổi lửa lên em - Huy Du)… Còn rất nhiều bài nữa và những bài hát đó đều nổi tiếng, được lưu giữ trong ký ức của nhiều thế hệ.


Có lẽ mở đầu cho những bản nhạc dạng này là nhạc sĩ Hoàng Vân khi ông sáng tác bài hát nổi tiếng về… khẩu pháo với bài “Hò kéo pháo”. Bản nhạc nổi tiếng như tiếng kèn xung trận các chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ ác liệt mà oai hùng này. Bài hát trở thành kinh điển khi nói về Điện Biên Phủ.


Không ai nghĩ chỉ là cây gậy tre cho các thanh niên tập hành quân của thập niên 60 lại thành một khúc ca tươi trẻ như một lời hiệu triệu cho những đoàn quân ra trận, xẻ dọc Trường Sơn cứu nước…, vậy mà nhạc sĩ Phạm Tuyên làm được điều đó với bài “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát ra đời trong thời điểm cả miền Bắc thanh niên hăng hái tòng quân ra trận vào miền Nam đánh Mỹ. Từ một cây gậy giản dị, nhạc sĩ thổi vào đó bao niềm vui, khát vọng, cả niềm tin của tuổi trẻ trước đất nước dân tộc. Bài hát thực sự tiêu biểu cho khí phách tâm hồn của tuổi trẻ thời chống Mỹ.


Nhạc sĩ Nguyên Nhung có bản nhạc viết về chiếc võng, vật dụng quen thuộc của bộ đội ta ở chiến trường, đặc biệt ở Trường Sơn có tên “Bài ca trên cánh võng” nổi tiếng tới mức hầu như người lính nào cũng thuộc mỗi khi nằm trên cánh võng dưới vòm cây: “Dừng chân bên suối võng đưa. Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng… võng theo ta ra chiến trường, võng theo ta giải phóng. Tổ quốc ơi muôn năm bền vững hai đầu”. Nhạc sĩ đã khái quát cả tầm vóc giang sơn đất nước và cuộc chiến tranh từ cánh võng, từ đó nói lên khát vọng hòa bình thống nhất Tổ quốc.


“Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ, suốt ngày ta bế trên vai”… đó là lời của bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Bản nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ vui tươi trìu mến và đáng yêu như cô gái mới lớn. Bản nhạc nổi tiếng này được nhạc sĩ quê ở Bình Dương khi đó đang ở Hà Nội sáng tác dành cho mặt trận Sài Gòn ở Tết Mậu Thân 1968. Điều đáng nói, nhạc sĩ viết về những cô gái đất Sài Gòn tham gia mặt trận bằng việc tải đạn pháo. Không ai nghĩ những viên pháo to đáng sợ đó mà trên tay, trên vai những cô gái “thành đô” ở chiến khu lại đáng yêu như một “đứa trẻ” hay như người bạn… Đây là nét độc đáo vì tâm hồn phơi phới của những người con vì Tổ quốc hiến dâng.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có một gia tài âm nhạc đồ sộ nhưng nhắc đến ông, không ai quên bài hát vô cùng cảm động “Tấm áo mẹ vá năm xưa”. Bản nhạc viết về tình quân dân, cụ thể ở đây là miền quan họ Hà Bắc ở đầu thập niên 60. Chỉ là tấm áo rách được những người mẹ đồng quê Bắc Bộ yêu thương vá cho những đứa con là chiến sĩ khi dừng chân bên làng mà tràn đầy tình yêu thương vô vàn của mẹ - biểu tượng cho đất nước, cho dân tộc với những đứa con sắp ra mặt trận. Cho đến hôm nay, bản nhạc vẫn âm vang.


Cây đàn ghita - nhạc cụ quen thuộc nhưng khi vào nét nhạc của người nhạc sĩ trở nên vô cùng vui tươi rộn rã như tâm hồn lạc quan của người chiến sĩ. Nhạc sĩ Xuân Hồng có bản nhạc “Cây đàn ghita của đại đội 3”; hay nhạc sĩ Minh Quang ra Trường Sa, thấy chiến sĩ ở đảo thiếu thốn với cây đàn chỉ có một dây cũng hát vang bài ca chiến trận “Cây đàn ghita một dây”.


Nhạc sĩ An Thuyên thật tài hoa và lãng mạn khi viết bản nhạc “Xe tăng anh qua miền quan họ”: “Em thôi không trách không về hội. Để cho câu hát bay quanh thanh pháo. Xe lên quán dốc lắc lư trưa hè”. Bài hát viết về đội xe tăng đi qua làng quê mà như một ngày hội tràn đầy niềm vui, tình yêu và cảm xúc của tình quân dân.


Và cuối cùng, chúng ta cùng thưởng thức bài hát “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện” của nhạc sĩ Hoàng Tạo. Bản nhạc ra đời đúng lúc Tổ quốc phải chiến đấu hai đầu biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Qua hình tượng chiếc ba lô bình dị, nhạc sĩ làm toát lên vẻ đẹp cao thượng và tràn đầy tình yêu thương của người chiến sĩ với Tổ quốc, với nhân loại. Bản nhạc mang một vẻ đẹp vĩnh cửu về người chiến sĩ thời “tình nguyện” quốc tế.


Dương Trang Hương