09:04, 27/04/2021

Dấu ấn từ trại sáng tác kịch bản sân khấu

Diễn ra từ ngày 11 đến 23-4 tại thành phố Nha Trang, trại sáng tác kịch bản sân khấu toàn quốc do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức đã để lại nhiều dấu ấn cả về tác phẩm lẫn tác giả.

Diễn ra từ ngày 11 đến 23-4 tại TP. Nha Trang, trại sáng tác kịch bản sân khấu toàn quốc do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức đã để lại nhiều dấu ấn cả về tác phẩm lẫn tác giả.


Thêm nhiều kịch bản mới


Tại trại sáng tác lần này, 17 tác giả trong cả nước đã sáng tác 17 kịch bản sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… Các kịch bản vừa phản ánh được hơi thở cuộc sống đương đại, vừa có góc nhìn mới về một số vấn đề lịch sử. Với kịch bản Ông ấy là bố tôi, tác giả Nguyễn Thu Phương đã tạo các tình huống xung đột, tính cách nhân vật rõ ràng để chuyển tải về cuộc sống gia đình ngột ngạt. Cũng về đề tài đương đại, tác giả Vương Huyền Cơ đã cho thấy góc nhìn khác về cuộc sống gian nan của những người làm nghề sân khấu qua kịch bản Người nuôi tằm. Với kịch bản Nghề từ thiện, tác giả Phạm Tân lại muốn làm rõ bản chất của công việc từ thiện. Tác giả Trần Kim Khôi lại dẫn dắt mọi người đến với những chiêu thức tham ô, tham nhũng, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội qua kịch bản Tượng đồng rỗng ruột. Lần đầu tham gia trại sáng tác, NSND Lan Hương trình làng kịch bản Giấc mơ trưa. Bằng ngôn ngữ kể chuyện rất riêng, tác giả nhắc nhở những bậc làm cha mẹ đừng vì mưu toan cuộc sống mà quên mất những đứa con của mình.

 

Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng tập kịch bản cho đại diện Nhà Sáng tác Nha Trang.

Lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng tập kịch bản cho đại diện Nhà Sáng tác Nha Trang.


Bên cạnh đề tài đương đại, trại sáng tác cũng có 7 kịch bản thuộc đề tài lịch sử, dân gian, qua đó đã khắc họa được nhiều lát cắt, góc nhìn, quan điểm mới về những sự kiện trong lịch sử dân tộc. Viết lại câu chuyện về Hoàng đế Lê Đại Hành, tác giả Đăng Minh thêm một lần ngợi ca công lao, đóng góp của một đấng minh quân. Với kịch bản Lời nguyền với thánh nhân, tác giả Hoàng Thanh Du đã tìm ra những sự kiện mới liên quan đến lời trăn trối của An Sinh Vương Trần Liễu với con trai Trần Quốc Tuấn. Tác giả Bùi Xuân Thảo lại khắc họa về nhân vật Quận He vì dân, vì nước chống lại cái ác của kẻ bạo quyền. Kịch bản chèo Hoàng tử và cây cầu gãy của tác giả Phạm Ngọc Dương để lại cho người đọc những suy ngẫm về số phận con người…


Xuất hiện những gương mặt mới


Theo NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, một trong những điểm nổi bật của trại sáng tác lần này là sự xuất hiện những gương mặt mới, trong đó có những tác giả trẻ. Những nhân tố mới này đã cho thấy sự tiến bộ rõ nét và tiềm năng phát triển tốt, như: Nhà văn Lê Ngọc Minh, NSND Lan Hương, tác giả trẻ Nhi Huyền, Phạm Ngọc Dương... Điều này không chỉ khẳng định sự quan tâm phát hiện, ươm mầm, đầu tư cho lực lượng những cây viết mới, mà còn thể hiện chất lượng, uy tín các trại sáng tác kịch bản của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong thời gian qua. “Lần đầu tham gia trại sáng tác kịch bản sân khấu, tôi đã có những cảm nhận, ấn tượng rất tốt. Bản thân tôi đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong cách viết”, nhà văn Lê Ngọc Minh cho biết. NSND Lan Hương chia sẻ, nghề chính của chị là diễn viên, thời gian gần đây chị chuyển qua làm đạo diễn sân khấu kịch hình thể và nay thử sức ở lĩnh vực viết kịch bản. Qua đây, bản thân chị muốn có những đóng góp cũng như học hỏi được nhiều điều bổ ích trong cách viết và mong muốn tiếp tục tham gia những trại viết như thế này.


Trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu đang thiếu những kịch bản hay, việc có thêm những kịch bản mới từ trại sáng tác lần này là một tín hiệu khá tích cực, từ đó đem lại những vở diễn hay cho khán giả trong thời gian tới.


Giang Đình