11:04, 14/04/2020

Nhà thơ Trần Vạn Giã: Từ đồi cô đơn tới rặng bần xanh thẳm

Trần Vạn Giã (sinh năm 1945) tên thật là Trần Ngọc Ẩn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa. Ông là gương mặt thơ thân quen với làng thơ cả nước và Khánh Hòa với những câu thơ chứa chan tình người, tình yêu, tình quê hương. 

Trần Vạn Giã (sinh năm 1945) tên thật là Trần Ngọc Ẩn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa. Ông là gương mặt thơ thân quen với làng thơ cả nước và Khánh Hòa với những câu thơ chứa chan tình người, tình yêu, tình quê hương. Nhà thơ lão thành Giang Nam cũng từng khẳng định: “Thơ Trần Vạn Giã đã đi vào lòng người bằng những câu thơ lục bát chứa chan hồn quê Khánh Hòa…”.


Hai mạch nguồn cảm xúc


Cho đến bây giờ, đã qua 75 mùa gió bay với hơn 15 tập thơ trải dài dằng dặc thời gian của 50 năm như triền cát Tu Bông, Trần Vạn Giã vẫn lưu giữ trong trái tim những thổn thức của làng quê với những dải đồi cô đơn. Nơi đó có những người phụ nữ đêm trăng ra ngồi ngóng chờ cánh buồm ra khơi về lộng, dưới cánh buồm đó là đôi vai trần của người chồng hay những người đàn ông của làng. Thật đau khổ khi có những người phụ nữ sẽ ngồi chờ mãi trên ngọn đồi bơ vơ đó vì không bao giờ thấy cánh buồm trở về. Với Trần Vạn Giã - đồi côi đơn bên “ngòi cát xề” (lạch nước trong veo chảy từ rừng bần Tuần Lễ ra Đại Lãnh) chính là số phận của mẹ mình, một phụ nữ ở làng Tuần Lễ. Đó là cuối năm 1944, khi ông còn nằm trong bụng mẹ thì đã mồ côi cha. Trên đường trở về quê hương xứ Nghệ, lúc quay lại vì chiến tranh, cha ông đã dừng lại bên đèo Cả và biệt vô âm tín mãi mãi, để người phụ nữ vẫn thời xuân sắc ngồi trên đồi cát nhìn về phương bắc thấy đá bia trên đèo Cả mà ngỡ là mình: Hòn vọng phu. Đó chính là biến cố báo hiệu cho số phận đầy lận đận, vất vả đeo đuổi hơn 2/3 cuộc đời chàng trai sinh ra trên miền cát.

 


Các tập thơ của Trần Vạn Giã từ thập niên 1970 cho đến bây giờ thật đa dạng nhưng không bề thế, không hào sảng hay khí phách… Tất cả đều là những cung nhạc trầm buồn. Với bản tính hiền lành, nhân hậu, Trần Vạn Giã luôn chừng mực ở mọi cung bậc cảm xúc. Ông làm thơ phản chiến, thơ viết trong tù ngục chế độ cũ nhưng tất cả đều toát lên nỗi niềm thương nhớ quê hương, người thân. Sau này, ông vẫn nuôi dưỡng song song hai mạch nguồn của mình: thế sự và cảm xúc quê hương tình người. Ở mạch tình cảm quê hương, tình yêu, sự khắc khoải, diệu vợi buồn trong nỗi cô đơn bằng những vần thơ lục bát cho thấy Trần Vạn Giã đã trọn vẹn độ chín. Không phải ngẫu nhiên ông ra hẳn một tập thơ có tên “Lục bát quê nhà”. Ở đó, ông thả sức ngâm nga và ngậm ngùi với mẹ và quê nghèo của mình: “Cát làng nóng bỏng dấu chân. Bao nhiêu gian khổ dành phần mẹ ta”. Như đã nói ở trên, mẹ của ông là điển hình cho người phụ nữ miền gió cát Tu Bông xứ Giã nên ông thường xuyên mơ, khóc và cười với mẹ trong tiềm thức chứa chan của mình. Ông có nhiều bài thơ hay về mẹ như: “Thưa mẹ con đi”: “Con bỏ quê lên phố. Mẹ ở lại với làng. Gom nỗi buồn trong gió” hoặc “Thưa mẹ con về”: “Đã lâu con đã nhớ nhà. Nhớ cơn gió thoảng là là hương cau. Những chiều mẹ đứng ngõ sau. Lui cui tóc bạc trên đầu mẹ ơi”.


Thổn thức màu quê hương


Cùng với mẹ, quê với Trần Vạn Giã hơn là máu thịt, đó là hơi thở, là sự thổn thức thường trực trong trái tim yếu đuối của ông. Quê mẹ, miền cát bay lồng lộng gió cũng có bờ tre, đồng lúa nhưng vây quanh biển rợn sóng chỉ có những rặng bần cổ thụ xanh thẳm trầm mặc. Ông tâm sự: “Khi bé thơ, tôi hay ra rừng bần ngồi dưới gốc bần xù xì thô ráp ngước lên vòm xanh với những tán lá lăn tăn thấp thoáng chùm quả mà ngỡ đó là bóng cha vì cây bần im lìm quá, đến những cơn gió thổi ào ạt qua lá cũng không phát ra âm thanh. Đúng là hình dáng cha tôi, người cha im lặng với má, với tôi từ khi tôi chưa ra đời. Cha tôi im lặng mãi mãi với thời gian và bóng núi thì bà ngoại và mẹ tôi lại làm cho tâm hồn tôi rợn sóng. Nhờ có bà hay nói tôi đọc truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, mẹ cho tôi đi học trường làng bên rừng bần mà tôi có chữ, sau này nhờ  có thơ mà “vịn câu thơ đứng dậy” (chữ của Phùng Quán) trước cuộc đời bão tố”.

 

Rừng bần Tuần Lễ xưa.

Rừng bần Tuần Lễ xưa.


Với Trần Vạn Giã, thêm một miền quê nữa chính là Đất Sét (nay là xã Diên Xuân, Diên Khánh), nơi ông cởi áo thi sĩ làm nông dân, làm tiều phu đốn củi, làm rẫy suốt thời trai trẻ gian khổ sau giải phóng. Chính nơi đây đã hun đúc nên một tâm hồn đầy khí khái của Trần Vạn Giã sau này. Tất nhiên, không thể không nhắc đến Nha Trang với những con sóng biển dịu dàng làm dịu tất cả những vết thương gian khổ trong ông. Người viết bài vẫn nhớ hơn 10 năm, 2/3 gia đình ông ở trong 2 căn phòng nhỏ trên đường Trần Phú. Đây là thời điểm những đứa con của ông lớn lên, đi học, tất cả đều bấu víu vào đôi vai người cha mà dần trưởng thành. Người cha đó như một con chim ròng rọc chắt hết tất cả vì con và vì thơ.


Trần Vạn Giã luôn viên mãn với thành quả lao động của mình, bởi với ông, dù phía sau có những đồi cát đang sụt lở gió bay nhưng trước mặt vẫn thấp thoáng rừng bần xanh thẳm, mặc dù rặng xanh đó luôn im lặng nhưng làm tâm hồn ông thổn thức màu quê hương.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG