11:02, 19/02/2019

Dấu ấn thời gian qua những hiện vật

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đến Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, người dân và du khách có dịp xem các hiện vật độc đáo trong khuôn khổ triển lãm Dấu ấn thời gian. 

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đến Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, người dân và du khách có dịp xem các hiện vật độc đáo trong khuôn khổ triển lãm Dấu ấn thời gian. Hơn 300 tư liệu, hiện vật được giới thiệu là minh chứng cho quá trình phát triển liên tục từ thời tiền sử đến sơ sử, yếu tố giao lưu văn hóa, thương mại của vùng đất Khánh Hòa.


Tại đây, công chúng có điều kiện tìm hiểu thêm các hiện vật thuộc di chỉ Xóm Cồn (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) có niên đại cách đây hơn 3.000 năm thông qua những sản phẩm đồ gốm. Ở đó có những chiếc nồi, vò, bình, bát, mâm… được trang trí bằng một số loại hoa văn như: khắc vạch, in chấm, đắp nổi. Bên cạnh đó là những hiện vật được tìm thấy ở di chỉ Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Hiện vật đồ gốm tại di chỉ Hòa Diêm có sự đa dạng về kiểu dáng trong các sản phẩm: chum, vò, nồi, bình, tô, chậu, bát mâm bồng…

 

Khách tham quan hiện vật gốm được giới thiệu tại triển lãm Dấu ấn thời gian.

Khách tham quan hiện vật gốm được giới thiệu tại triển lãm Dấu ấn thời gian.


Bộ sưu tập tiền qua các thời kỳ cũng đem đến cho công chúng những điều thú vị riêng. Với trên 200 loại tiền được sử dụng trong hơn 10 thế kỷ đã cho người xem thấy được phần nào tiến trình phát triển, cũng như giá trị lịch sử thông qua các đồng tiền. Trong đó, có đồng tiền cổ nhất của Việt Nam là Thái Bình Hưng Bảo dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968). Đây là đồng tiền riêng của nước ta đánh dấu nền độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc. Từ đó các triều đại tiếp theo đều đúc tiền mang niên hiệu của vua Việt Nam. Cùng với các đồng tiền xu, còn có những tờ tiền giấy được sử dụng ở nước ta từ thời Pháp thuộc đến nay. Ngoài ra, bộ sưu tập còn có tiền của các quốc gia khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Campuchia… Thông qua bộ sưu tập tiền cho thấy việc sử dụng tiền tệ ở nước ta diễn ra tương đối sớm và thể hiện được nền độc lập, tự chủ của đất nước qua các giai đoạn lịch sử.


Đến với không gian trưng bày bộ sưu tập nhạc cụ bằng đồng của các dân tộc Việt Nam, người xem sẽ thấy những hiện vật như: trống đồng Đông Sơn; cồng, chiêng, mã la của các dân tộc Êđê, Raglai ở Khánh Hòa. Từ những loại nhạc cụ này, công chúng phần nào hiểu thêm về phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.


Việc giới thiệu những hiện vật theo từng bộ sưu tập chuyên đề giúp công chúng theo dõi được thuận lợi hơn thông qua sự xâu chuỗi theo trình tự nhất định. “Các bộ sưu tập này thực sự rất có ý nghĩa. Thông qua đây, người xem biết thêm về những giá trị lịch sử, văn hóa cũng như nét đặc trưng của các hiện vật”, ông Lưu Thanh Minh (đường 2-4, TP. Nha Trang) cho biết. Theo bà Phạm Thị Thanh Bình - cán bộ Bảo tàng tỉnh, để có thể sắp xếp các hiện vật theo chuỗi hệ thống thành bộ sưu tập đòi hỏi nhân viên của Bảo tàng tỉnh phải nắm vững các thông tin về hiện vật và thể hiện nó theo đúng trình tự. Tuy nhiên, đây là lần đầu thực hiện triển lãm theo hướng này nên vẫn còn những hạn chế.


Theo ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, các hiện vật được giới thiệu trong những bộ sưu tập này đã được đơn vị thu thập từ nhiều năm nay. Trước đây, các hiện vật này cũng đã từng được trưng bày giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, trong xu hướng trưng bày bảo tàng hiện nay, việc giới thiệu hiện vật phải mang tính chuyên đề và có sự xâu chuỗi xuyên suốt để tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Đây là bước đi ban đầu của bảo tàng mang tính chất chuẩn bị cho việc trưng bày, giới thiệu hiện vật sau này khi bảo tàng mới được hoàn thành, theo hướng giới thiệu những gì khách tham quan cần chứ không chỉ là đưa ra những gì mình có. Đặc biệt, việc làm này đã dần thay đổi tư duy của đội ngũ nhân viên bảo tàng, cũng như yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn được đặt ra một cách cụ thể hơn.


Giang Đình