10:01, 04/01/2019

Trầm hương trong ca dao xứ Trầm

Nói đến trầm hương là nói đến sản vật quý hiếm của các vùng rừng núi thuộc khu vực miền Trung, trong đó nhiều nhất là ở Khánh Hòa. Năm Du lịch Quốc gia 2019 - Nha Trang, Khánh Hòa đã bắt đầu. Tìm hiểu đôi điều về trầm hương trong ca dao ở xứ Trầm hương có lẽ là điều không ít du khách gần xa quan tâm

Nói đến trầm hương là nói đến sản vật quý hiếm của các vùng rừng núi thuộc khu vực miền Trung, trong đó nhiều nhất là ở Khánh Hòa. Năm Du lịch Quốc gia 2019 - Nha Trang, Khánh Hòa đã bắt đầu. Tìm hiểu đôi điều về trầm hương trong ca dao ở xứ Trầm hương có lẽ là điều không ít du khách gần xa quan tâm.


Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản ở tỉnh Khánh Hòa từng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành, huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn cũng viết: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai… Trầm hương chỉ có thể giáng khí, kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng…”.


Do có nhiều sản vật giá trị kể trên nên từ lâu không ít người khi nói đến Khánh Hòa đều đề cập đến trầm hương. Thậm chí, cách đây gần nửa thế kỷ, khi viết về Khánh Hòa, nhà thơ Quách Tấn còn lấy loại sản phẩm này đặt tên cho cuốn sách nổi tiếng của mình là “Xứ Trầm Hương”. Riêng trong lĩnh vực thơ ca dân gian, vì tính chất độc đáo nên trầm hương đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thuộc, được đề cập, khắc họa khá đậm nét trên nhiều bình diện, nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.


Trước hết, có thể nói, người Khánh Hòa xưa coi trầm hương như là một biểu tượng của sự thanh cao, đại diện cho những con người có nhân cách, có nghĩa khí nên có lúc họ mượn hình ảnh cây trầm để giáo dục con cháu: Làm người có nghĩa, có nhân/Như cây dó tỏa hương trầm ngát hương.


Cũng vì quý hiếm, độc đáo mà trầm hương được coi như niềm tự hào đối với người dân Khánh Hòa từ đời này qua đời khác. Thật không khó khi tìm những câu ca dao xưa nói về các địa danh ở Khánh Hòa gắn liền với trầm hương. Chẳng hạn như: Khánh Hòa biển rộng non cao/ Trầm hương Vạn Giã - yến sào Nha Trang; Tỉnh Khánh Hòa đậm đà mưa nắng/Non chồng nghĩa nặng, nước chứa tình thâm/Ngọn gió bay phảng phất hơi trầm/Mây xây tháp bút, trăng dầm bến ngân. Hay: Ai vô Diên Khánh, Bình Khang/Nhớ mang theo vàng để đổi trầm hương.


Diên Khánh và Bình Khang là tên hai phủ thuộc vùng đất Khánh Hòa xưa được chúa Nguyễn Phúc Tần lập nên và nhập vào lãnh thổ nước ta sau khi chiếm giữ vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang vào năm 1653. Lấy vàng để đổi, điều này đã nói lên trầm hương ở Khánh Hòa ngày xưa được người đời khắp nơi coi trọng. Và có lẽ, đây cũng là một trong những câu ca dao ra đời xưa nhất nói về vùng đất Khánh Hòa ngày nay.


Nói về trầm để ngợi ca sự giàu đẹp của vùng đất mình đang sống, người Khánh Hòa xưa trong nhiều trường hợp còn mượn sản vật này để nhìn nhận, giãi bày, thể hiện tâm tư, tình cảm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.Và ở đó, chữ trầm luôn xuất hiện như một biện pháp để so sánh giữa cái đẹp, cái tốt với cái chưa đẹp, cái thiếu hoàn chỉnh: Tới đây gặp bậu sướng thay/Tựa như lên núi gặp ngay cây trầm; Củi kia chen lộn với trầm/Lựa sao cho khéo kẻo lầm hỡi em.


Từ muôn đời nay, tình yêu nam nữ luôn thăng hoa với nhiều sắc thái, cung bậc. Ở một số bình diện, “trầm” được ví như “nghĩa nặng, tình sâu” trong tình yêu đôi lứa. Câu ca dao dưới đây cho ta thấy hình ảnh rất đẹp của một cuộc tình thủy chung: Cây quế Thiên Thai mọc bên khe đá/Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm/Đôi đứa mình đây như quế với trầm/Trời xui, đất khiến sắt cầm trăm năm. Còn đây là tâm trạng của một chàng trai Bình Định mượn trầm và ngọc để bày tỏ tình cảm sâu đậm của mình, dù rằng vì một lý do nào đó không thể đến với người con gái Khánh Hòa mà mình đã yêu thương: Nha Trang trăng ngọc gió trầm/Anh về Bình Định lệ dầm nhớ thương/Trách ai rấp nẻo ngăn đường/Non sông gửi gắm can trường lại em/Hòn Chữ  chưa chìm/Hòn Chồng chưa ngả/Ngoài còn Vạn Giã/Trong có Cam Lâm/Vẫn còn trăng ngọc gió trầm/Nghìn thu nghĩa nặng tình thâm mãi còn...


Ca dao xưa nói về trầm hương ở Khánh Hòa còn rất nhiều và nội dung rất đa dạng. Tuy chỉ dẫn đôi câu phác họa, nhưng hy vọng bạn đọc có cơ sở để hiểu thêm về trầm hương ở đất Khánh Hòa cũng như con người và quê hương Khánh Hòa - nơi từ lâu đã nổi tiếng với câu ca:


Khánh Hòa là xứ Trầm hương


Non cao biển rộng, người thương đi về...


Hoàng Anh