12:12, 27/12/2018

"Chết" bởi bóng chết!

Trong trận đấu giao hữu với đội tuyển Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhằm chuẩn bị cho vòng bảng Asian Cup 2019 sắp tới, các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có trận hòa 1-1 với thế trận chiếm ưu khá rõ ràng.

Trong trận đấu giao hữu với đội tuyển CHDCND Triều Tiên nhằm chuẩn bị cho vòng bảng Asian Cup 2019 sắp tới, các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có trận hòa 1-1 với thế trận chiếm ưu khá rõ ràng. Tuy chỉ là trận đấu mang tính thử nghiệm, nhưng các cầu thủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Điểm mạnh vẫn là phong cách tấn công hiện đại, đầy tốc độ và sự kết dính, thể hiện rõ nhất qua bàn thắng mở tỷ số của Tiến Linh. Điểm yếu cũng không có gì quá mới mẻ, đó chính là bóng chết, mà hệ quả là bàn gỡ hòa 1-1 của đội tuyển Triều Tiên.

 

Các tình huống cố định vẫn đang là “tử huyệt” của đội tuyển Việt Nam.

Các tình huống cố định vẫn đang là “tử huyệt” của đội tuyển Việt Nam.


Có lẽ sẽ có rất nhiều cách lý giải về bàn gỡ 1-1 vào lưới đội tuyển Việt Nam này. Đó có thể do hệ thống phòng ngự mang tính chất thử nghiệm là chính, nên ông Park Hang-seo đã sử dụng khá nhiều cái tên chưa có cơ hội thể hiện mình tại AFF Cup vừa qua như: Tuấn Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Thành Chung… Những cầu thủ này chưa được thi đấu với nhau nhiều, và sự chệch choạc do thiếu ăn ý là điều khó tránh khỏi. Đó cũng có thể do thủ thành dự bị như Bùi Tiến Dũng khó cản phá một cú sút mà độ khó của nó chưa chắc những thủ môn hàng đầu thế giới đã có thể cản phá.


Đó là những lý do hợp lý, có thể lý giải cho trận hòa với đội tuyển Triều Tiên. Nhưng đó không phải là tất cả, mà chúng ta phải chú ý rằng, việc đội tuyển Việt Nam dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo bị ghi bàn từ những pha bóng chết diễn ra khá thường xuyên, chứ không phải là vấn đề của 1 - 2 trận đấu. Không nói đâu xa, kỳ AFF Cup 2018 vừa qua, trong 4 bàn thua mà đội tuyển Việt Nam phải nhận đã có 3 bàn xuất phát từ những pha bóng chết. Qua đó cho thấy đây thực sự là một “tử huyệt” của hàng thủ nói riêng và của đội tuyển Việt Nam nói chung.


Nói đến cũng lạ, đội tuyển Việt Nam được Huấn luyện viên Park Hang-seo xây dựng dựa trên một lối chơi thiên về thực dụng, lấy sự chắc chắn làm ưu tiên hàng đầu, lấy hàng thủ là cơ sở làm nên chiến thắng của đội bóng. Bản thân hàng thủ của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup có thể nói đã là những tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây. Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng… đều là những hậu vệ giỏi, có chiều cao tốt; đặc biệt thủ thành Đặng Văn Lâm có chiều cao tới 1m88, rất có ưu thế trong những pha khống chế không chiến. Như vậy, đáng lý ra phải không ngán ngại những pha bóng chết mới đúng.


Trên thực tế, đội tuyển Việt Nam phòng ngự là tốt thật khi là đội thủng lưới ít nhất tại AFF Cup. Nhưng vấn đề là, phòng ngự tốt không có nghĩa sẽ chống bóng chết tốt, bởi lẽ những pha dàn xếp bóng chết vốn có những đặc thù rất riêng của nó. Bóng chết là nói chung về những đường bóng cố định xuất phát từ những pha sút phạt. Tính chất của nó không chỉ là sự chính xác, mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tranh chấp, tì đè, chọn điểm rơi, thậm chí cả tiểu xảo. Muốn chống bóng chết tốt không chỉ cần có sự ăn ý rất tốt giữa thủ môn và các cầu thủ phòng ngự; mà bản thân các cầu thủ phòng ngự còn phải giỏi tranh chấp tay đôi, chọn điểm rơi, thậm chí là chủ động phạm lỗi ở khu vực xa vòng cấm địa…


Có vẻ như hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam còn thiếu đi sự ăn ý, điều này đã phần nào xuất hiện tại AFF Cup 2018. Đồng thời, ngoài Quế Ngọc Hải thì những cầu thủ phòng ngự khác của đội tuyển Việt Nam còn khá… hiền, hay bị thất thế trong những pha tranh chấp tay đôi mà đối phương xử dụng tiểu xảo. Chắc chắn điều này Huấn luyện viên Park Hang-seo đã thấy và đang tìm phương án khắc phục. Thiết nghĩ, đây có lẽ chỉ là vấn đề về mặt kinh nghiệm thi đấu, và thời gian sẽ giúp các cầu thủ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn để vươn tới những thành công mới.


Trần Khánh