08:04, 25/04/2020

Tại sao vẫn giằng co trong việc hủy giải hay không?

Cho đến thời điểm hiện tại, bóng đá châu Âu vẫn đang phải giằng co trong vấn đề có nên hủy các giải vô địch quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 hay không. Mà nguyên nhân chính có lẽ cũng không ngoài cố gắng giảm thiểu thiệt hại về mặt kinh tế.

Cho đến thời điểm hiện tại, bóng đá châu Âu vẫn đang phải giằng co trong vấn đề có nên hủy các giải vô địch quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 hay không. Mà nguyên nhân chính có lẽ cũng không ngoài cố gắng giảm thiểu thiệt hại về mặt kinh tế.

 

Giải vô địch quốc gia Hà Lan đã tuyên bố hủy mùa giải 2019-2020 mà không có câu lạc bộ vô địch.
Giải vô địch quốc gia Hà Lan đã tuyên bố hủy mùa giải 2019-2020 mà không có câu lạc bộ vô địch.


Trong thời gian qua, dưới sự hoành hành của đại dịch Covid-19 tại châu Âu, có thể nói mọi hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã lâm vào trạng thái “đóng băng” tạm thời. Nhưng vấn đề là, trạng thái “đóng băng” này vẫn chưa biết được đến thời điểm nào mới có thể chấm dứt, và các giải đấu cũng không thể cứ treo mãi như thế mà chờ đợi đại dịch Covid-19 chấm dứt để tiếp tục thi đấu, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tổ chức mùa giải sau, cũng như kế hoạch trong tương lai của các câu lạc bộ. Rất rõ ràng là đối với đa số các câu lạc bộ việc chấm dứt mùa giải sớm sẽ đỡ cho họ rất nhiều mối lo, có thể tập trung toàn lực cho việc chuẩn bị mùa giải sau, thay vì cứ phải trông ngóng như hiện tại.


Bất quá, ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như giải Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp… thì lợi nhuận mang đến từ nó có thể nói là một con số khổng lồ, và hiển nhiên những câu lạc bộ hàng đầu ở những giải đấu này cũng có được sức ảnh hưởng rất lớn. Đi kèm đó, những câu lạc bộ hàng đầu này sẽ nhận những thiệt hại về kinh tế do đại dịch Covid-19 là lớn nhất. Nếu chấm dứt giải đấu sớm, thiệt hại của những câu lạc bộ này sẽ càng thêm lớn, hệ quả kéo theo là UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu) cũng sẽ chịu thiệt hại kinh tế tương ứng. Chính vì vậy mà những câu lạc bộ lớn này nói riêng, và UEFA nói chung vẫn cố gắng giữ quan điểm tiếp tục giải đấu bằng mọi giá.


Nhưng các câu lạc bộ hoặc UEFA sức ảnh hưởng có lớn đến thế nào, thì cũng không thể lớn hơn được lợi ích của quốc gia. Chính vì vậy mà bản thân UEFA cũng phải ra tuyên bố chấp nhận cho hủy các giải vô địch quốc gia nếu chính phủ nước đó cấm tổ chức các sự kiện thể thao hoặc các đội bóng tại giải khánh kiệt về tài chính. Bởi đơn giản là câu lạc bộ không thể vượt quyền quốc gia, và không phải câu lạc bộ nào cũng đủ khả năng tài chính để duy trì chờ đợi đại dịch Covid-19 trôi qua. Đó là cũng là lý do mà giải vô địch quốc gia Hà Lan vừa qua đã nối đuôi giải vô địch quốc gia Bỉ tuyên bố hủy mùa giải 2019-2020, khi mà chính phủ Hà Lan đã cấm mọi hoạt động thể thao cho đến tháng 9. Đó cũng sẽ là một bước tiến nữa để các giải vô địch quốc gia châu Âu khác noi theo.


Vấn đề lớn nhất mà một số giải vô địch quốc gia hàng đầu như của Anh (Premier League), Đức (Bundesliga), Tây Ban Nha (La Liga), Italia (Serie A)… phải đối mặt khi muốn hủy giải sớm không có gì ngoài vấn đề tài chính. Đó không chỉ là vấn đề phải trả lương cầu thủ, chi phí hoạt động, không thu được tiền bán vé... mà còn là số tiền bản quyền truyền hình khổng lồ mà họ phải đối mặt trong trường hợp buộc phải chấm dứt giải sớm. Chính vì vậy mà phương án thi đấu trên sân không khán giả để kết thúc mùa giải vẫn được đưa ra, như một hình thức “trả nợ” cho xong mùa giải này. Nhưng nên nhớ, cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có thuốc trị cho dịch bệnh Covid-19, đồng thời vẫn chưa thể phát hiện sớm được dịch bệnh trong thời gian ủ bệnh, nên chính phủ các quốc gia vẫn không thể không lo lắng đến vấn đề một ổ dịch mới phát sinh, để rồi thiệt nhiều hơn là lợi.


Do đó, một khi thuốc trị cho đại dịch Covid-19 vẫn chưa có, cho dù phải chấp nhận “sống chung với lũ”, thì các giải vô địch quốc gia châu Âu không thể kéo dài vô thời hạn. Khả năng hủy mùa giải, đồng thời giữ nguyên thứ tự trên bảng tổng sắp nhưng không có câu lạc bộ vô địch cũng như không có câu lạc bộ lên xuống hạng như giải vô địch quốc gia Hà Lan có lẽ sẽ là mô hình để các giải đấu khác nghiên cứu làm theo.

Cao Duy