09:07, 09/07/2019

Làm giàu uranium cấp độ cao, Iran chơi bài ngửa với Mỹ và phương Tây

Iran hôm nay (8/7) bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao, vượt mức 3,67% - tức vượt ngưỡng cần thiết để sản xuất năng lượng dân sự.

Iran hôm nay (8/7) bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao, vượt mức 3,67% - tức vượt ngưỡng cần thiết để sản xuất năng lượng dân sự.
 
Để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như quá thất vọng với cách ứng phó của các nước châu Âu, Iran gần đây đã bắt đầu cắt giảm một số cam kết của mình đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
 
Không lâu sau thông báo dự trữ uranium vượt ngưỡng 300kg cho phép, Iran hôm nay (8/7) bắt đầu làm giàu uranium ở cấp độ cao, vượt mức 3,67% - tức vượt ngưỡng cần thiết để sản xuất năng lượng dân sự. Dù cánh cửa đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước liên quan vẫn đang mở, song căng thẳng giữa 2 bên vẫn không ngừng gia tăng, bao gồm cả việc Anh mới đây bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran.
 

 

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Tehran Times.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Tehran Times.
 
Ngay sau tuyên bố làm giàu uranium ở cấp độ cao, vượt ngưỡng 3,67%, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm qua (7/7) cho biết, cánh cửa đối thoại giữa các bên vẫn chưa khép lại, bao gồm cả với Mỹ.
 
“Con đường dẫn tới đối thoại và 1 giải pháp ngoại giao vẫn rộng mở. Song điều quan trọng là chúng phải hướng tới sự thay đổi và 1 giải pháp có thể đáp ứng nhu cầu  của chúng tôi, liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Cuộc đàm phán của chúng tôi sẽ là nhóm P5+1, trừ Mỹ. Nếu Mỹ muốn tham dự các cuộc đàm phán này, họ phải đáp ứng điều kiện gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Khi đó, chúng tôi có thể chấp nhận đàm phán”, ông Abbas Araqchi nói.
 
Trong khi đó, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri hôm nay (7/7) cũng bày tỏ thất vọng, rằng Mỹ đã không cho phép người dân Iran được hưởng lợi từ thỏa thuận hạt nhân, khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
 
Phản ứng về các động thái của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đe dọa sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt và khiến Iran trở nên cô lập hơn. Trong khi, Tổng thống Mỹ yêu cầu Iran “hãy cẩn thận” trước khi hành động “mạo hiểm”.
 
Liên minh châu Âu, đặc biệt là 3 nước Anh, Pháp và Đức từng tham gia ký Thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về động thái mới của Iran, kêu gọi Iran quay trở lại các cam kết của mình. Hiện 3 quốc gia châu Âu đang liên hệ với nhau để cùng đưa ra 1 “bước đi tiếp theo” trong vấn đề Iran, với mục tiêu chung không để Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân.
 
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi Iran kiềm chế, tránh đưa ra các bước đi vội vàng và làm phức tạp tình hình. Cả 2 quốc gia này đều cho rằng, mọi bước đi của Iran hiện nay đều khởi nguồn từ các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Hôm nay (8/7), một lần nữa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, mọi bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân Iran cần phải được giải quyết thông qua con đường “ngoại giao”.
 
Tuy nhiên, theo giới phân tích, con đường ngoại giao mà các bên đang hướng tới không hề dễ dàng. Nhiều thời hạn chót về đàm phán trước đó đã được đưa ra để giải quyết các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, song đến nay mọi thứ vẫn đang bế tắc, khiến Iran buộc phải hành động nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Mục tiêu quan trọng nhất của Iran hiện nay là được xuất khẩu dầu, bởi đây là nguồn thu nhập chính của quốc gia này. Tuy nhiên, cơ chế thương mại đặc biệt INSTEX giữa châu Âu và Iran vẫn không đảm bảo được điều này, chưa kể đến việc cơ chế này vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
 
Vấn đề càng trở nên bế tắc và căng thẳng hơn, khi Anh mới đây đã bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran tại vùng biển Gibraltar, thuộc Anh, khi cho rằng đích đến của con tàu là 1 nhà máy lọc dầu Syria – 1 thực thể nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu. Bất chấp lời bác bỏ của Iran về đích đến của con tàu là Syria, cũng như lời kêu gọi thả con tàu ngay lập tức từ phía Tehran, giới chức Anh đã gia hạn thời gian tạm giữ con tàu lên 14 ngày.
 
Hôm nay (8/7), Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami ra tuyên bố trực tiếp trên truyền hình, rằng việc bắt giữ con tàu là hành động sai lầm của Anh, là mối “đe dọa” và là hành động “không thể dung thứ”./.
 
Theo VOV