10:10, 29/10/2020

Vốn tín dụng góp phần xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", những năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới; đầu tư vốn tín dụng ngân hàng để phát huy thế mạnh về sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các địa bàn nông thôn.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)”, những năm qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn xây dựng NTM; đầu tư vốn tín dụng ngân hàng để phát huy thế mạnh về sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các địa bàn nông thôn.


Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, những năm qua, chi nhánh đã tích cực chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động tham gia cho vay thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay xây dựng NTM, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp… Bên cạnh đó, chỉ đạo các chi nhánh TCTD phối hợp với UBND các cấp, các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của địa phương tại các đề án đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

 

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giao dịch tại cơ sở.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội giao dịch tại cơ sở.


NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các chi nhánh TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với đối tượng là hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp, các đối tượng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn…


Hiệu quả thiết thực


Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Cam Ranh đã đáp ứng kịp thời vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mức cho vay bình quân hộ nghèo năm 2019 đã đạt 48 triệu đồng/hộ và hộ cận nghèo đạt 49 triệu đồng/hộ. Đến ngày 30-9, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn 6 xã của TP. Cam Ranh đạt hơn 151,6 tỷ đồng. Hàng năm, doanh số cho vay của 6 xã đạt gần 55,4 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2019, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm đã góp phần giúp cho 402 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 1.778 lao động; tạo điều kiện cho 616 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp 2.125 hộ xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 19 hộ mua nhà ở xã hội, xây, sửa nhà…


Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh đánh giá, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập, nâng cao đời sống. Qua đó, góp phần tích cực giúp địa phương trong công tác giảm nghèo cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng NTM. Đến cuối năm 2019, thành phố có 4/6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.


Các chi nhánh TCTD đã chủ động khai thác tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời các nhu cầu cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, cho vay các hộ sản xuất và doanh nghiệp để phục vụ chương trình xây dựng NTM nói riêng. Đến cuối tháng 9-2020, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 27.807 tỷ đồng, chiếm 29,37% tổng dư nợ, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM dư nợ 11.582 tỷ đồng, chiếm 41,65% dư nợ cho vay phát triển nông thôn, chiếm 12,23% dư nợ cho vay toàn tỉnh, với 258 doanh nghiệp, 7 HTX và 63.822 hộ dân vay vốn. Các chi nhánh TCTD đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đầu tư cho tam nông, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.


Nam Du