11:06, 30/06/2020

Vượt qua nghịch cảnh

Cho dù có khó khăn, các chị vẫn âm thầm chịu đựng, vượt qua khiếm khuyết cơ thể để làm việc, sống tốt và lan tỏa yêu thương… Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi có dịp gặp gỡ những hội viên, phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi, thoát nghèo.

Cho dù có khó khăn, các chị vẫn âm thầm chịu đựng, vượt qua khiếm khuyết cơ thể để làm việc, sống tốt và lan tỏa yêu thương… Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được khi có dịp gặp gỡ những hội viên, phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi, thoát nghèo.


Thay đổi số phận


Chiều muộn, ngôi nhà của chị Trần Thị Hằng - một phụ nữ khuyết tật ở thôn Vạn Thạnh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa càng trở nên yên ắng khi trong nhà chỉ có một mình chị lụi cụi chăm sóc đàn gà ở phía sân sau nhà. Thấy khách đến, chị vội vã quệt mồ hôi và xiêu vẹo đứng dậy đón khách. Nhà chăn nuôi, nhưng căn nhà nhỏ của chị sạch tươm, ngăn nắp. Chị Hằng kể, chị đang nuôi hơn 200 con gà để bán thịt; tuy quy mô không lớn, song đã giúp cho mẹ con chị có cuộc sống tự lực, ổn định hơn 6 năm qua.

 

Bị bại liệt từ bé, thế nhưng chị Trần Thị Hằng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Bị bại liệt từ bé, thế nhưng chị Trần Thị Hằng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.


Trong câu chuyện được biết, chị Hằng sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh đặc biệt nặng, 2 chân bị co rút nên chị gần như không đứng thẳng được, dáng người thấp bé, di chuyển khó khăn. Cánh tay trái co quắp không cầm nắm được gì. Chính vì vậy, tuổi thơ chị đã trải qua những ngày rất khó khăn đầy mặc cảm. “Hồi nhỏ, tôi ở nhà một mình không có bạn bè nên rất cô đơn. Lớn lên chút nữa, để phụ giúp cha mẹ, tôi phải gắng lết ra đồng mót lúa. Có hôm trời nắng mệt, tôi kiệt sức đi không vững, phải vừa đi vừa bò bằng tay trên đường. Người làng đi làm đồng gặp thương tình nên hay bế tôi về”, chị Hằng chia sẻ.


Giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời chị là lúc chồng mất vì bệnh tật. Chị một mình không việc làm, nuôi con nhỏ, trở thành hộ nghèo nhất xóm, phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người thân và người quen xung quanh. Bằng tiền giúp đỡ của người thân và 5,5 triệu đồng quyên góp hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị đã mua những con giống đầu tiên về thả và phát triển đàn gà đến nay hơn 200 con/mỗi lứa. Những năm tháng nuôi gà của chị cũng chẳng dễ dàng gì. Mỗi lần bê thau thức ăn cho gà, chị di chuyển rất khó. Có hôm vấp, cả người và thau thức ăn đổ ụp, người lăn tròn trên đất. “Tuy khó khăn nhưng việc nuôi gà đã giúp tôi giảm lệ thuộc, tự lực nuôi sống bản thân và con gái là tôi vui lắm rồi. Nhờ nuôi gà hiệu quả nên gia đình tôi đã thoát nghèo từ năm 2018”, chị Hằng nói.

 

Hiện nay, gia đình chị Trần Thị Nở có hơn 100 gốc bưởi da xanh.

Hiện nay, gia đình chị Trần Thị Nở có hơn 100 gốc bưởi da xanh.


Nhìn một khu vườn trồng đầy bưởi da xanh trĩu quả, cả đàn gà và chim bồ câu lên đến hàng trăm con ở thôn Thạch Định, ít ai có thể hình dung chủ nhân của khu vườn này là một phụ nữ khuyết tật. Chị là Trần Thị Nở, hội viên phụ nữ khuyết tật của Hội Phụ nữ xã Ninh Trung. Thuở bé, chị đã bị liệt và bị khuyết tật nặng bên chân trái, đi lại khó khăn. Trong câu chuyện kể về cuộc đời của mình, đôi mắt người phụ nữ 60 tuổi này ánh lên nghị lực vượt khó. Thời trẻ, chị lấy chồng sinh liền 4 người con nên cuộc sống rất khó khăn. Chồng là thương binh nặng và mắc bệnh hen nên không giúp đỡ được chị nhiều. Một mình chị với đôi chân khập khiễng đã đi khắp nơi tìm việc. Rồi chị quyết định mở lò bánh tráng thủ công để kiếm tiền nuôi con qua ngày. Do lao động quá sức, có thời gian chị suy kiệt sức khỏe, phải vay tiền chạy chữa khắp nơi. Tuy nhiên, năm 2005, chị may mắn được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” do HTV tổ chức và được xóa nợ, cấp vốn làm ăn. Không bỏ lỡ cơ hội, chị quyết tâm đầu tư thêm mô hình kinh tế làm vườn và chăn nuôi tổng hợp. Cùng với nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ xã Ninh Trung, chị đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng 100 gốc bưởi da xanh, kết hợp trồng rau, nuôi gà, nuôi bồ câu và làm thêm 5 sào ruộng lúa nước. Kinh tế phát triển dần, chị có điều kiện chăm chồng, nuôi 4 con ăn học đại học và thành đạt. Năm 2020, chị còn mạnh dạn đăng ký với Hội Phụ nữ xã tham gia ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp từ “Bưởi da xanh”.


Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Trung cho biết, chị Hằng và chị Nở là 2 trong 39 phụ nữ khuyết tật của xã có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng đã biết tự lực vượt khó vươn lên, tự chủ được cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội, không phải ai cũng làm được.


Không gục ngã trước nghịch cảnh

 

zzMỗi ngày chăm sóc cho gian hàng hoa tươi của mình là niềm vui lớn nhất của chị Trần Thị Hạnh.

Mỗi ngày chăm sóc cho gian hàng hoa tươi của mình là niềm vui lớn nhất của chị Trần Thị Hạnh.


Không chỉ những người khuyết tật bẩm sinh, có rất nhiều phụ nữ khuyết tật do những lý do khác nhau vẫn đang âm thầm nỗ lực vươn lên nghịch cảnh. Như chị Trần Thị Hạnh ở tổ dân phố Phước Bình 2, phường Phước Long, TP. Nha Trang, bị tai nạn giao thông, gần như bị liệt nửa người bên trái rồi liệt hẳn cánh tay trái. Vậy mà chị đã không gục ngã. Còn 1 cánh tay, chị vẫn lao động. Ai thuê gì chị cũng cố gắng làm cho bằng được. Qua gần 10 năm phấn đấu, hiện chị đã làm chủ một shop hoa tươi, nuôi sống được bản thân và con cái. Rồi chị Bùi Thị Ngọc Lan, ở thôn 2, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh cũng rất đáng khâm phục. Năm lên 10 tuổi, chị Lan bị bệnh bại liệt, mất đi một chân khỏe mạnh. Sau khi lấy chồng sinh 2 đứa con, chị còn bị chồng nghiện rượu đánh đập phải ly hôn. Để nuôi 2 con, chị gầy dựng cơ nghiệp từ những con gà con. Đến nay, chị đã phát triển thành một trại gà cả nghìn con. Chị đã được chính quyền địa phương xét thoát nghèo năm 2019. Chị Lan nhớ lại: “Nói khó khăn thì những phụ nữ khuyết tật như chúng tôi không thể kể hết, sau khủng hoảng gia đình tan vỡ, cơn bão năm 2017 lại tiếp tục lấy đi của tôi tất cả, nhà tốc mái, trại gà sập, gà chết thành đống, tôi phải làm lại từ đầu. Tôi luôn nghĩ, cuộc đời khó có thể xô ngã ai nếu bản thân họ còn có khả năng để vươn lên”, chị Lan nói…

 

Vượt qua bao nhiêu biến cố cuộc sống, chị Bùi Thị Ngọc Lan đã vươn lên làm chủ kinh tế gia đình.

Vượt qua bao nhiêu biến cố cuộc sống, chị Bùi Thị Ngọc Lan đã vươn lên làm chủ kinh tế gia đình.


Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 1.557 phụ nữ khuyết tật là hội viên của hội, trong đó có 187 chị có thể tự lực, làm kinh tế, tự chủ vươn lên cuộc sống. Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến hội viên, phụ nữ khuyết tật. Cụ thể, hội luôn chủ động nắm bắt tình hình phụ nữ khuyết tật ở cơ sở, qua đó kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn chị em các thủ tục hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho người khuyết tật; hỗ trợ vay vốn, giới thiệu học nghề, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm; vận động xã hội, nhà hảo tâm tặng “Mái ấm tình thương”, trao phương tiện sinh kế… nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ khuyết tật có cơ hội làm việc, vươn lên cuộc sống.


Bà Nguyễn Quỳnh Nga  - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, từ các hoạt động quan tâm, hỗ trợ của tổ chức hội phụ nữ các cấp, đã có không ít phụ nữ khuyết tật có động lực vươn lên, vượt qua được khó khăn, phát triển kinh tế, giảm lệ thuộc, có thể tự chủ được cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành những tấm gương vượt qua số phận cho các chị em phụ nữ khác học tập. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật đã triển khai, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ cho chị em phụ nữ khuyết tật muốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các lớp tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, giới thiệu vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng… Qua đó, góp phần giúp cho nhóm phụ nữ yếu thế này ngày càng có nhiều cơ hội vươn lên, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.


Minh Thiết - Thanh Trúc