10:06, 12/06/2020

Mùa muối nhọc nhằn

Năm nay, nắng nóng kéo dài, diêm dân thị xã Ninh Hòa được mùa muối. Thế nhưng, điệp khúc được mùa mất giá lại tái diễn, hàng ngàn tấn muối của diêm dân, thành viên các hợp tác xã đang nằm chất đống ven đường vì không tiêu thụ được. 

Năm nay, nắng nóng kéo dài, diêm dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được mùa muối. Thế nhưng, điệp khúc được mùa mất giá lại tái diễn, hàng ngàn tấn muối của diêm dân, thành viên các hợp tác xã (HTX) đang nằm chất đống ven đường vì không tiêu thụ được. Thu nhập từ nghề muối quá thấp, không đủ sống, nhiều thành viên HTX đã phải chuyển sang nghề khác như: Chạy xe ôm, làm bánh, phụ bán quán, thợ hồ, đi biển...

 Muối rớt giá

Về các xã, phường làm muối ở thị xã Ninh Hòa những ngày này, không còn cảnh nhộn nhịp người cào, người gánh, tấp nập các xe thu mua ra vào ruộng muối như năm trước, mà đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh lác đác vài ruộng có dăm ba người lặng lẽ thu hoạch muối. Có ruộng muối đã kết tinh khá dày nhưng chưa thu hoạch nên ngả màu vàng. Dọc các con đường vào ruộng muối, nhiều ụ muối trắng xóa, diêm dân đang mỏi mòn chờ người tới mua. Hỏi chuyện, nhiều diêm dân không giấu được nỗi buồn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhất là mấy tháng qua nắng nóng đã rút ngắn thời gian muối kết tinh, hạt muối đẹp, sản lượng cao. Chưa kịp mừng, diêm dân lại lao đao vì giá thu mua muối quá thấp nhưng vẫn không có người mua. 

 

Diêm dân Ninh Hòa đang nếm một mùa muối… đắng!

Diêm dân Ninh Hòa đang nếm một mùa muối… đắng!


 Ông Nguyễn Lánh, tổ dân phố (TDP) Đông Hải 1, phường Ninh Hải cho biết: “Năm nay, muối rớt giá thê thảm, thấp nhất trong 10 năm qua. Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá muối được thương lái mua tại ruộng từ 600.000 - 750.000 đồng/tấn muối đất (muối truyền thống) thì năm nay, chỉ còn 300.000 - 350.000 đồng, muối bạt từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn bây giờ giảm còn 600.000 - 750.000 đồng. Giá thấp nhưng thương lái thu mua rất ít. Từ đầu vụ đến nay, ruộng muối của tôi chỉ mới bán được gần 50 tấn, còn tồn khoảng 20 tấn. Trong khi năm ngoái, muối thu hoạch đến đâu có người tới mua đến đấy”.

 

 

Vụ muối 2020, thị xã Ninh Hòa có gần 800ha đất sản xuất muối. Từ đầu năm đến nay, toàn thị xã đã thu hoạch hơn 32.000 tấn muối, trong đó còn hơn 2/3 sản lượng muối chưa bán được.

Hơn 3 năm làm muối bạt, ruộng muối rộng 3ha của ông Nguyễn Hữu Tiến (TDP Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm) 2 năm liên tiếp đều cho lãi hơn 100 triệu đồng/năm, đây là năm đầu tiên bị thua lỗ. Ông Tiến cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi mới bán được 40 tấn, còn tồn 60 tấn. Do giá bán quá thấp, trừ chi phí thuê nhân công cào, gánh, tôi lỗ vài chục triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi phải bán lại ruộng muối chuyển sang nghề khác kiếm sống”. Chính vì thua lỗ, bán không được nên ruộng đã đóng muối hơn 4 ngày nhưng ông Tiến vẫn chưa muốn thu hoạch. Không chỉ diêm dân thất thu, HTX sản xuất muối cũng lao đao không kém. Từ đầu năm đến nay, 3 HTX sản xuất muối tại Ninh Hòa gồm: Ninh Diêm, Ninh Thủy và Ninh Hải lượng muối bán ra chiếm chưa tới 1/3, số lượng tồn lên đến hàng ngàn tấn.


Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường tiêu thụ muối bị chững lại, không có người mua, dẫn tới giá giảm sâu, đời sống thành viên HTX hiện nay rất khó khăn. Nhiều ruộng muối, người dân thu hoạch xong chất đống ven đường, trên địa bàn phường vẫn còn tồn đọng gần 1.000 tấn muối các loại.


Xoay đủ nghề để sống


Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Lam (TDP Đông Hải 1, thành viên HTX Muối Ninh Hải) điêu đứng vì muối. Vợ chồng bà Lam phải xoay đủ việc để kiếm tiền nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Bà Lam kể, từ Tết đến nay, do dịch Covid-19, ruộng muối 2 vợ chồng bà bán ra không được bao nhiêu, giá bán lại thấp nên công cào, gánh của cả 2 người mỗi đợt thu hoạch (3 - 5 ngày) chưa tới 300.000 đồng; không đủ sống, chồng bà phải bỏ ruộng đi làm thuê, có tháng theo bạn đi biển. “Những ngày sở ruộng HTX không thu hoạch, tôi đi gánh muối thuê ở các ruộng muối tư nhân, kiếm được 150.000 -  200.000 đồng/ngày mới đủ trang trải cuộc sống”, bà Lam nói.

 

Lác đác vài sở ruộng có dăm ba người thu hoạch.

Lác đác vài sở ruộng có dăm ba người thu hoạch.


Dưới cái nắng gay gắt giữa tháng 6, bà Nguyễn Thị Dung (TDP Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm, thành viên HTX Muối 1-5 Ninh Diêm) cùng với 3 người khác lui cui cào, gánh thuê cho ruộng muối tư nhân. Bà Dung kể, sở ruộng HTX có gần 10 người, từ đầu vụ đến nay, số tiền bán muối chia ra cho mỗi người quá ít, không đủ sống nên bà phải đi làm thuê. “Gánh ở ruộng muối tư nhân từ 1 giờ đến 5 giờ chiều tôi kiếm được 150.000 đồng, sau đó, mỗi giờ tăng thêm 50.000 đồng. Trong khi đó, cũng bằng thời gian ấy, công gánh ở sở ruộng của HTX chia ra chỉ được 60.000 - 100.000 đồng nên tôi đành bỏ sở ruộng HTX đi làm thuê mới đủ sống”, bà Dung nói. Là thợ gánh muối của HTX Muối 1-5 Ninh Diêm gần 25 năm, bà Ngô Thị Loan (TDP Phú Thọ 2, phường Ninh Diêm) phải chuyển sang bán bánh để kiếm tiền ăn từng bữa. Tuy thu nhập từ việc bán bánh chỉ được khoảng 70.000 đồng/ngày nhưng theo bà Loan, mình còn may mắn hơn nhiều thành viên khác không có việc làm.

 

Muối được thu hoạch dồn đống trên các tuyến đường cả tháng chưa có người mua.

Muối được thu hoạch dồn đống trên các tuyến đường cả tháng chưa có người mua.


Ông Trương Công Hiến - Giám đốc HTX Muối 1-5 Ninh Diêm cho biết, HTX có 100ha đất làm muối, trong đó có 15ha muối bạt, còn lại là muối đất. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch khá. Từ đầu năm đến nay, HTX sản xuất được gần 4.000 tấn muối, do dịch bệnh nên lượng muối bán ra chỉ được 1/4, còn tồn gần 3.000 tấn. HTX có gần 500 thành viên, hơn 60% là người trên 50 tuổi. Nhiều thành viên đảm nhận công gánh nhưng do lớn tuổi không có sức khỏe nên phải thuê mướn lại người gánh. Để có tiền trả công cho người gánh thuê, nhiều thành viên phải đi vay mượn tiền. Những năm trước, giá muối cao, họ còn gồng gánh được, năm nay giá thấp, muối bán không ai mua nên nhiều thành viên nợ chồng thêm nợ, cuộc sống rất khó khăn. Hiện nay, gần 50% thành viên của HTX đã bán cổ phần, chuyển sang nghề khác. Tuy vậy, HTX cũng lực bất tòng tâm, không có cách nào giữ chân thành viên. Bởi, HTX cũng đang gặp khó khăn khi thiếu nhân sự kế cận, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ rất khó, vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên muối không xuất khẩu đi được, còn thị trường nội địa hoạt động cầm chừng. “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với các đầu nậu thu mua muối nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu”, ông Hiến nói.


Chia tay diêm dân, chúng tôi ra về mang theo mong muốn của họ là Nhà nước cần có chính sách thu mua muối để bình ổn giá, giúp diêm dân yên tâm bám ruộng sản xuất.


LY VÂN