09:12, 29/12/2017

Ấm tình xuân trên quê hương thứ hai

Năm 2018 đang đến gần. Với những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Nha Trang, đây là khoảng thời gian lễ hội với rất nhiều hoạt động vui vẻ, ý nghĩa...

Năm 2018 đang đến gần. Với những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Nha Trang, đây là khoảng thời gian lễ hội với rất nhiều hoạt động vui vẻ, ý nghĩa...


Háo hức đón Tết


“Nha Trang là một thành phố tuyệt vời. Tôi có nhiều năm gắn bó ở đây. Nhưng mỗi dịp Tết đến, tôi vẫn luôn nhớ về quê hương mình”, ông Kirill Leonov - thành viên Ban Giám đốc Công ty Ánh Dương bày tỏ. Sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1983 đến nay, ông Kirill Leonov nói tiếng Việt rất giỏi. Ông nói: “Ở nước Nga quê hương tôi, mỗi dịp Tết thường kéo dài từ lễ Noel đến những ngày đầu năm mới. Đây là dịp lễ lớn và trang trọng, người Nga luôn coi đây là ngày của gia đình, của sự sum họp”.

 

Cùng mừng đón năm mới

Cùng mừng đón năm mới


Zarour Chaher - trung vệ đội trưởng đội tuyển bóng đá Sanna Khánh Hòa chia sẻ: “Tôi đã ở Việt Nam được 2 năm. Không khí Tết ở đây rất vui tươi và ngoài đường luôn đông đúc, nhộn nhịp. Người dân Nha Trang rất lịch sự, vui tươi và hòa đồng. Mỗi dịp Tết đến, tôi nhớ gia đình nhiều. Vì đây là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau ăn uống. Đón Tết ở Nha Trang, tôi thường gọi điện thoại về nhà, sau đó ra đường, đi chơi cùng bạn bè”. Và trong lúc cao hứng, bên cạnh việc chúc tất cả mọi người được khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công trong công việc, Zarour còn mong muốn sẽ cùng với Sanna Khánh Hòa đoạt cúp vô địch V-League 2018.


Có một sự trùng hợp giữa những người bạn nước ngoài mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, đó là dù người nước nào, châu Âu, châu Á, hay châu Phi, châu Mỹ, họ đều có chung một cảm nhận, Tết là dịp của gia đình, dịp mọi người hướng về nhau, cùng vui chơi, sum họp. Cô giáo Yumi Yamashita - giảng viên tiếng Nhật của Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Tết này tôi sẽ viết thư về nhà. Đây cũng là một nét truyền thống của người Nhật. Với tôi, ngày Tết, gia đình là quan trọng nhất. Cũng may tôi đang được ở một nơi rất dễ chịu. Khí hậu ấm áp, biển đẹp. Các món ăn cũng rất ngon. Có lẽ tôi sẽ làm một số món ăn truyền thống của người Nhật trong dịp Tết, như: món Kuromame làm từ đậu đen thay cho lời cầu chúc sức khỏe, món Tazukuri (cá phủ đường) được làm từ cá cơm biểu tượng cho một vụ mùa bội thu… rồi vui cùng bạn bè trong dịp Tết này”.


Anh Julien Charles Roger Bauvois - giảng viên tiếng Pháp của Trường Đại học Nha Trang thì bày tỏ, đây là lần đầu tiên anh đón năm mới ở Việt Nam. “Tuy nhiên, tôi rất háo hức được trải nghiệm đón năm mới ở Việt Nam. Tôi sẽ theo những người bạn Việt Nam xuống phố, đến một nơi nào đó để cùng nhau đón năm mới. Cách đây 2 tuần, tôi có 1 bài giảng nói về năm mới cho sinh viên. Tôi cho họ so sánh cách đón năm mới ở các nước phương Tây và Việt Nam. Tôi kể cho họ cách chúng tôi đón năm mới và các sinh viên chia sẻ cách họ đón năm mới như thế nào. Tôi thấy họ rất thú vị và háo hức đón chờ”.


Gắn bó và cống hiến


Khác với cô Yumi Yamashita và anh Julien Charles Roger Bauvois - những người sống và làm việc ở Nha Trang chưa lâu, ông Laurent Casteret - Phó Tổng Giám đốc khách sạn InterContinental Nha Trang đã có 10 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam, trong đó đã đón năm mới ở Nha Trang tới 4 lần. Theo ông, mỗi dịp từ Noel đến Tết Dương lịch, du khách nước ngoài thường tìm đến Nha Trang nhiều hơn, bởi nơi đây có cảnh sắc, thời tiết đẹp. “Chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện đón năm mới cho du khách. Có cả 1 bữa tiệc buffet đếm ngược cho những vị khách thích sự sôi động, có không gian nhẹ nhàng, riêng tư cho những gia đình và cặp đôi thích đón năm mới trong không gian lãng mạn và yên tĩnh. Ở khách sạn chúng tôi, khách đến từ nhiều nước khác nhau nên chúng tôi luôn cố gắng làm 1 chương trình phù hợp với tất cả mọi người, giúp các vị khách cảm thấy hạnh phúc khi đến đây đón năm mới và có nhiều kỷ niệm đẹp ở đây”.

 

Các em bé Nga nhảy múa trong tiệc đón năm mới tại Vinpearl Nha Trang Resort.
Các em bé Nga nhảy múa trong tiệc đón năm mới tại Vinpearl Nha Trang Resort.


Cùng chung suy nghĩ này, ông Kirill Leonov cảm nhận: “Nha Trang của các bạn là một thành phố đẹp, yên bình, tốc độ phát triển nhanh. Vào mỗi dịp lễ, thành phố được trang trí đẹp hơn, lung linh hơn. Ngoài đón Tết Dương lịch, tôi cũng rất thích ngày Tết cổ truyền của các bạn. Dịp đó có nhiều lễ hội được tổ chức, không khí rất tuyệt vời”. Là một người đã gắn bó với Việt Nam hơn 30 năm, ông Kirill không chỉ am hiểu văn hóa, tập quán, ngôn ngữ Việt Nam, ông còn dày công thực hiện 4 quyển sách được xem như là bách khoa toàn thư về Việt Nam bằng tiếng Nga để giới thiệu cho bạn bè Nga, đồng thời nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Hán Việt. Công ty do ông làm giám đốc hiện nay là một trong những công ty hàng đầu trong việc đưa khách Nga, Ukraine và các nước thuộc khối CIS (Liên Xô cũ) sang Việt Nam và đặc biệt là Nha Trang - Khánh Hòa. Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, mỗi năm Công ty Ánh Dương đưa sang Khánh Hòa hàng chục nghìn du khách Nga. Riêng năm 2017, trong số hơn 400.000 lượt khách Nga đến Nha Trang, công ty đã đưa gần 150.000 lượt, góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh.


Không chỉ yêu mến thành phố biển, những người bạn nước ngoài trong quá trình làm việc, sinh sống tại Nha Trang cũng để lại nhiều nghĩa cử cao đẹp. Theo ông Lý Bá Lin - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa, những năm qua, Khánh Hòa đã đón hàng triệu khách nước ngoài đến tham quan du lịch, các nhà đầu tư đến tìm cơ hội làm ăn và hàng trăm chuyên gia đến trao đổi học tập, chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực đời sống, xã hội. Anh Nutan Rout, chị Monisha (Ấn Độ), bà Yvet (Pháp), Anh Frank Noyon (Pháp)…, những người bạn của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh đều rất xúc động khi chia tay mảnh đất này. Trong thâm tâm của họ, Nha Trang - Khánh Hòa dường như đã trở thành quê hương thứ hai, nơi mà họ luôn muốn đến và ở lại.

 

Theo số liệu của cơ quan chức năng, Khánh Hòa hiện có hơn 700 người nước ngoài đang cư trú và làm việc với nhiều quốc tịch như: Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ukraine, Philippines, Thái Lan, Uzbekistan, Crotia, Nepal, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Belarus… Những người nước ngoài chủ yếu hoạt động trong các ngành nghề như: y tế, du lịch, giáo dục, ẩm thực, kinh doanh… Trong dịp Tết Dương lịch 2017, Khánh Hòa ước đón khoảng 40.000 lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 18.000 lượt khách quốc tế, nâng tổng lượt khách quốc tế đến Khánh Hòa trong năm 2017 đạt 2,02 triệu lượt.

Riêng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như: Aid for Kids, Le Liseron, Le amis de Nha Trang, ADRA, Tzu - chi, Ecole Sauvage, Association Aide pour le Vietnam… trong năm 2017 đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng cho công tác cứu trợ bão lụt và an sinh xã hội ở Khánh Hòa. Hay như các cặp vợ chồng tình nguyện của tổ chức “Le amis de Nha Trang” đến từ nước Pháp. Mỗi năm, họ đều đến Nha Trang - Khánh Hòa để thăm các con nuôi của mình, xem đó như là thành viên của gia đình mình. Nhiều người Nha Trang dành nhiều tình cảm cho cặp vợ chồng người Pháp là bà Pierrette Lamorlette và chồng là ông Gérard Lamorlette. Trước đây, bà là đại diện Hội Giúp đỡ người nghèo (FCSPF) - một tổ chức phi chính phủ của Pháp hoạt động trên lĩnh vực từ thiện nhân đạo đã và đang có những hoạt động hết sức ý nghĩa tại Khánh Hòa. Đồng thời, ông bà còn thực hiện nhiều hoạt động nhằm đưa hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam giới thiệu đến các bạn Pháp, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu hơn và yêu mến Việt Nam hơn. Hay như bà Susanne Schupfer (người Thụy Sỹ) - Chủ tịch Hiệp hội giúp đỡ Việt Nam “Susanne’s help for children”, gần 25 năm qua đã thực hiện rất nhiều chương trình từ thiện xã hội giúp đỡ cho hàng chục nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở TP. Nha Trang được tới trường. Tương tự, ông Boulanger René, quốc tịch Bỉ, lấy vợ người Việt Nam, đến Việt Nam từ hơn 20 năm trước rồi gắn bó luôn với mảnh đất này. Ông là Chủ tịch Hội Les Amis de Nha Trang (Những người bạn của Nha Trang), hàng năm ông đều tìm đến những đứa trẻ có phận đời kém may mắn, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập, tỉ mẩn ghi chép lại những hoàn cảnh khó khăn ấy, rồi làm cầu nối để tìm kiếm nguồn tài trợ từ một số nước châu Âu, chăm lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn.


Với những người nước ngoài ở Nha Trang, Tết Dương lịch hay Tết cổ truyền của Việt Nam đều mang những ý nghĩa sâu sắc, nhiều người cũng vui xuân đón Tết không khác gì một người Việt Nam. Với họ, Tết là dịp khởi đầu một năm mới với những lời chúc tốt đẹp, an lành.


Hồng Đăng - Thanh Thảo