11:08, 19/08/2022

Quy định pháp luật về nguyên quán, quê quán

Xin cho biết nguyên quán và quê quán khác nhau thế nào? Cách ghi trên giấy tờ hộ tịch về 2 khái niệm này như thế nào cho đúng?
 

 

Hỏi: Xin cho biết nguyên quán và quê quán khác nhau thế nào? Cách ghi trên giấy tờ hộ tịch về 2 khái niệm này như thế nào cho đúng?
 
 (Phạm Văn Cao - Diên Khánh, Khánh Hòa)
 
Trả lời: Nguyên quán dùng để xác định nguồn gốc của công dân. Theo điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA, nguyên quán được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Trong khi đó, theo Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. Như vậy, quê quán và nguyên quán đều được hiểu là “quê”, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Nguyên quán được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà. Còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ.
 
Theo điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA, Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân. Đối với nguyên quán: Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.
 
Luật gia Minh Hương