10:03, 26/03/2018

Quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc bào chữa

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã  bổ sung quy định về quyền của bị can: 
 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đã  bổ sung quy định về quyền của bị can: 
 
“Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của bộ luật này khi có yêu cầu”. 
 
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa. 
 
Theo đó, kể từ ngày 18-3-2018, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án khi giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải thông báo, giải thích lại cho họ được biết về quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của họ từ sau khi kết thúc điều tra khi họ có yêu cầu.
 
Việc thông báo cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội về quyền được đọc, ghi chép tài liệu phải được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ghi nhận trong biên bản giao nhận bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản cáo trạng và được chuyển cùng hồ sơ vụ án hình sự.
 
Khi bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án. Nội dung văn bản yêu cầu phải nêu rõ các thông tin của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội, địa chỉ liên lạc, điện thoại liên hệ và các tài liệu cần đọc, ghi chép để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết.
 
Trường hợp bị can đang bị tạm giam có văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển văn bản yêu cầu của bị can cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án đó trong thời hạn 1 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của bị can.
 
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, giải quyết như sau:
 
Trường hợp thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch này thì ra văn bản thông báo việc từ chối cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu và nêu rõ lý do.
 
Trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều  6  Thông tư  liên tịch này thì phải chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và thông báo bằng văn bản, trong đó ghi rõ địa điểm, khoảng thời gian hợp lý để bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội có thể đọc, ghi chép tài liệu.
 
Việc đọc, ghi chép tài liệu của bị can không bị áp dụng biện pháp tạm giam, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được thực hiện tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án.
Đối với bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho bị can đọc, ghi chép tài liệu tại phòng hỏi cung của cơ sở giam giữ.
 
 Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án trực tiếp giao bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội để đọc, ghi chép.
 
Đối với bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải cung cấp bút viết và giấy để bị can ghi chép. Sau khi hết thời gian đọc, ghi chép, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thu lại bút viết, bị can được tự quản lý phần giấy tờ do mình đã ghi chép và được mang tài liệu đó vào buồng giam.
 
Việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu phải có sự giám sát của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án đó.
 
Đối với bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án có văn bản đề nghị cơ sở giam giữ cử cán bộ tham gia phối hợp giám sát bảo đảm an toàn trong quá trình cho bị can đọc, ghi chép tài liệu.
 
Trường hợp bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội không sử dụng được tiếng Việt hoặc bị can là người có nhược điểm về thể chất như: câm, điếc, mù có yêu cầu đọc, ghi chép tài liệu thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trưng cầu người phiên dịch, người dịch thuật hoặc người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù cùng tham gia việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu. Đối với bị can là người dưới 18 tuổi thì phải có người đại diện cùng tham gia việc cho bị can đọc, ghi chép tài liệu.
 
Thời gian cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được đọc, ghi chép tài liệu mỗi lần không quá 3 giờ, trong 1 ngày không quá 2 lần.
 
 Việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu phải được lập biên bản. Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3  Điều 7 thông tư này  thì phải  có thêm xác nhận của người cùng tham gia việc cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép tài liệu và cho bị can ký hoặc điểm chỉ xác nhận.
 
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm bảo quản bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội.
Bản sao tài liệu hoặc tài liệu số hóa và những tài liệu về trình tự, thủ tục cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép được chuyển cùng hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giải quyết theo thẩm quyền.
 
Bản sao tài liệu vụ án hình sự hoặc tài liệu vụ án hình sự được số hóa được bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật.
 
HỒNG HÀ