06:06, 30/06/2018

Chỉ vì ghiền cá độ

Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo N.T.K.T (sinh năm 1995, trú Diên Khánh) trộm cắp tài sản vắng vẻ vì không hề có mặt người thân. Nhưng những giọt nước mắt và những lời cảm ơn vấp váp của bị cáo vẫn khiến nhiều người phải tư lự. Chỉ có điều, sự trăn trở đó không phải về nội dung vụ án.

Phiên phúc thẩm xét xử bị cáo N.T.K.T (sinh năm 1995, trú Diên Khánh) trộm cắp tài sản vắng vẻ vì không hề có mặt người thân. Nhưng những giọt nước mắt và những lời cảm ơn vấp váp của bị cáo vẫn khiến nhiều người phải tư lự. Chỉ có điều, sự trăn trở đó không phải về nội dung vụ án.


Việc T. - nhân viên kiểm soát cổng khu du lịch, trộm cắp gần 20 triệu đồng đã rõ ràng. Camera an ninh của khu du lịch thể hiện rõ; bị cáo cũng không chối tội. Sau 4 tháng làm việc, T. biết rõ tổ trưởng tổ kiểm soát và quản lý được giao cất giữ tiền của khách làm rơi. Nắm được chính xác nơi cất tiền và chìa khóa mở hộc tủ, đến ca làm việc của mình, chờ tổ trưởng ra về, T. lẻn vào…


Liên tục lau nước mắt, T. trần tình, bị cáo đã tốt nghiệp cao đẳng, chưa xin được việc làm đúng nghề nên rất trân trọng vị trí nhân viên kiểm soát với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Bị cáo hoàn toàn nhận thức được trộm cắp là vi phạm pháp luật. Nhưng do đã đến hạn trả nợ, bị cáo nghĩ chỉ “mượn tạm” vài ngày trả nợ, rồi xoay khoản khác hoàn lại cho tổ trưởng trước ngày nộp quỹ… Nghe vậy, vị thẩm phán nghiêm khắc ngắt lời: Mượn khác trộm! Nếu muốn mượn, bị cáo phải hỏi mượn đàng hoàng, còn lén lút lấy tiền là trộm cắp. Cho dù bị cáo đã trả lại tiền cũng đã phạm tội.


T. nghẹn ngào: Bị cáo biết hối lỗi đã muộn. Nhưng bị cáo rất mong được khoan hồng, được cho hưởng án treo. Nếu bị cáo phải vào tù, sau này ra tù, chắc chắn tấm bằng cao đẳng của bị cáo đâu còn giá trị, vì chẳng ai dám nhận bị cáo vào làm. Còn cha bị cáo, nếu biết bị cáo vào tù, chắc ông không sống nổi…


Phút chờ nghị án, T. khóc sụt sùi khi cho biết, không phải T. nợ tiền vì tiêu xài cá nhân. Đây vốn là khoản nợ của mẹ T. vay, nhưng nguồn cơn sâu xa lại từ anh trai của T. Anh T. ham cá độ đá banh, bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của cả nhà. Thua độ, anh về nhà moi tiền gia đình. Khi nhà hết tiền, anh T. vẫn tiếp tục chơi, tất yếu nợ nần. Xót anh bị chủ nợ đe đánh, mẹ T. đành đi vay ngân hàng, rồi vay nóng cả người ngoài, tổng cộng hơn 80 triệu đồng trả nợ thay. Số tiền đó, với gia đình T. là cả gia tài. Cha mẹ T. chỉ biết loay hoay trả nợ lãi hàng tháng 5 triệu đồng, chẳng dám nghĩ đến ngày trả nợ gốc. Đúng lúc đó, người anh lại bỏ đi biệt tích, vợ anh cũng bỏ về nhà mẹ đẻ, để lại khoản nợ khổng lồ cho gia đình. Mẹ T. quá u buồn, sinh bệnh rồi mất. Nhưng chủ nợ vẫn không buông tha khoản vay nóng. Cha T. sức khỏe kém, ngày ngày chỉ trồng rau, nuôi gà, khoản tiền lãi hiện trông cả vào đồng lương của T. Hôm xảy ra vụ án là ngày đến hạn trả nợ lãi. Lo sợ nếu không có tiền trả, chủ nợ sẽ kéo tới nhà đánh cha nên T. đánh liều “mượn tạm” tiền của tổ trưởng vài hôm để kịp trả nợ lãi. Số tiền còn lại, T. đã mang trả khi bị phát hiện, đồng thời viết thư xin lỗi tổ trưởng. Hôm sau, T. vay mượn khắc phục nốt 5 triệu đồng.


Nghe tòa tuyên chấp nhận cho hưởng án treo, T. rớm nước mắt xúc động, cảm ơn hội đồng xét xử, hứa không bao giờ đụng chạm đến tài sản người khác nữa, rồi quýnh quáng ra cổng và cho biết, T. phải về lo kiếm việc làm trả nợ lãi tiếp.


Đây là phiên tòa xét xử bị cáo T. nên không triệu tập những người không liên quan trực tiếp đến vụ án. Tuy vậy, dưới góc độ đạo đức, có lẽ, người anh trai của T. cũng có liên quan. Anh ta cần có mặt để hình dung  được hậu quả mình gây ra cho cả gia đình, chỉ vì ghiền cá độ!  


TAM THUẬT