08:06, 15/06/2018

Một cách ứng xử

Phiên tòa xét xử bị cáo (BC) T.M.H (sinh năm 1989, trú Cam Linh, TP. Cam Ranh) ban đầu rất căng thẳng. Hai bên đến tòa với tâm lý thù hằn. BC lo lắng khi xin hưởng án treo, còn mẹ con bị hại đòi tăng cả hình phạt lẫn mức bồi thường. 
 

Phiên tòa xét xử bị cáo (BC) T.M.H (sinh năm 1989, trú Cam Linh, TP. Cam Ranh) ban đầu rất căng thẳng. Hai bên đến tòa với tâm lý thù hằn. BC lo lắng khi xin hưởng án treo, còn mẹ con bị hại đòi tăng cả hình phạt lẫn mức bồi thường. 
 
Nghe bị hại yêu cầu BC phải bồi thường 20 triệu đồng, BC tỏ ra bức xúc: Hồi xử sơ thẩm, bị hại yêu cầu rất nhiều khoản: tiền thuê xe vào TP. Hồ Chí Minh, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiền mất thu nhập của người chăm sóc… nhưng bị cấp sơ thẩm bác vì bị hại tự ý chuyển viện. BC là thợ sơn, tiền làm công chỉ đủ ăn, còn mẹ già bệnh và 2 con nhỏ. Để bồi thường hết hơn 11 triệu đồng như cấp sơ thẩm tuyên, BC đã phải vay mượn; trong khi bị hại gây thương tích cho BC trước. Tuy nhiên, nghe chủ tọa phân tích chính sự nóng nảy của BC đã dẫn đến vụ án này, vì vậy không nên gây thêm căng thẳng, H. đã dịu xuống, chấp nhận đề nghị bồi thường thêm 5 triệu đồng.
 
Gay gắt nhất có lẽ là mẹ bị hại khi phủ quyết toàn bộ lời khai: “Bên BC khai không đúng sự thật; nhân chứng khai sai; con tôi khai cũng sai; chỉ có tôi nói đúng! Họ tự mở cổng vào, chửi bới, đòi đánh, đòi giết! Đất của tôi, tôi muốn làm gì chẳng được”. Bà yêu cầu phải triệu tập một số người liên quan đến việc mua đất để làm rõ ai đúng ai sai. Bị tòa từ chối vì không phải vụ án dân sự, mẹ bị hại vớt vát: Phải gọi họ ra mới rõ nguồn cơn tranh chấp đất. Bà bảo, thương tích của ông N.Đ.P chắc do làm rẫy, sao đổ tại con bà? Ngay tại phiên tòa, bà vẫn mắng con xối xả khi anh này thừa nhận bị rựa cứa trong lúc vật lộn. 
 
Tất nhiên, sự thật về diễn biến vụ án không thể chỉ dựa vào lời khai của mẹ bị hại. Các lời khai khác hoàn toàn phù hợp với nhau đã cho thấy vụ việc ban đầu. Trưa đó, H. cùng 3 người mang theo dụng cụ đi làm rẫy. Xong việc, ông N.Đ.P về trước và ghé nhà cha mẹ bị hại để hỏi thực hư chuyện cha bị hại giới thiệu người mua đất chồng lấn lên đất nhà ông, nhưng ông này không có nhà. Mới nghe hỏi thăm, mẹ bị hại đã nổi sung, cãi cọ, xô xát. Bị hại lấy rựa đánh trúng đầu ông P. Do ông này đội mũ bảo hiểm nên cây rựa trượt xuống, gây thương tích nhẹ. Nghe tiếng ông P. kêu cứu, nhóm làm rẫy chạy tới, người cầm rựa trèo cổng vào, người đập cổng, yêu cầu mở khóa. Tuy nhiên, họ không vào để đánh giải nguy mà chỉ khuyên tất cả bình tĩnh và giải tán. Đáng tiếc, khi cả nhóm ra ngoài cổng, bị hại cố chạy theo, dùng cán cây dù đánh ông P. BC H. đi sau, vội giơ tay đỡ nên bị trúng tay. Giận dữ, H. giật ngay cây rựa từ tay một người trong nhóm, chém trượt bị hại. Trong lúc hai bên vật lộn, lưỡi rựa cứa vào gáy bị hại, gây thương tích 8%. 
 
Hội đồng xét xử phân tích về thái độ nóng nảy của mẹ bị hại khi gặp ông P.; việc bị hại tấn công ông P. trước; rựa của phía BC là dụng cụ làm rẫy, không chuẩn bị để đánh nhau. Nghe vị chủ tọa lập luận “không chỉ nhân chứng, ngay con bà cũng khẳng định quá trình vật lộn đã gây thương tích, bà không có chứng cứ, sao khăng khăng cho mình đúng?”, mẹ bị hại mới xuống nước: Thực ra, tôi chỉ hận ông P. hung hăng tới nhà, chứ đâu muốn làm khó để BC phải tù tội. Nó cũng chỉ tầm tuổi con tôi thôi! 
Nghe tòa tuyên chấp nhận kháng cáo cho H. hưởng án treo, H. cuống quýt cám ơn hội đồng xét xử, hứa sẽ không bao giờ ứng xử nóng nảy như vậy. Còn ông P. và những người làm thuê vội ôm chầm lấy H. Lúc này, mẹ con bị hại liền bỏ ra ngoài, hỏi thăm có thể lấy tiền bồi thường tiếp ở đâu. Có lẽ, họ chẳng mấy để ý đến nhận định thấm thía của vị chủ tọa: Hành vi của H. vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội nhưng BC chỉ nhất thời phạm tội, không chủ tâm từ trước… Trong vụ án này, nguyên nhân sự việc cũng xuất phát từ mâu thuẫn về việc mua bán đất đai giữa mẹ bị hại và gia đình ông P. nhưng đôi bên đã không bình tĩnh ứng xử cho phù hợp, để xảy ra cãi vã, xô xát, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 
 
TAM THUẬT