05:05, 19/05/2018

Cãi cùn

Bị cáo B.H.N (sinh năm 1973, trú Phước Tân, Nha Trang) được xem là có "tài" chọc giận, khi khiến hầu hết người có mặt tại phiên tòa cảm thấy khó chịu. 

Bị cáo B.H.N (sinh năm 1973, trú Phước Tân, Nha Trang) được xem là có “tài” chọc giận, khi khiến hầu hết người có mặt tại phiên tòa cảm thấy khó chịu.  


Khi chủ tọa yêu cầu khai lại toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội, N. chối phắt: Bị cáo vô tội. N. lý giải chuyện dùng chai thủy tinh vỡ đánh chủ tiệm thuốc lá là bởi chủ tiệm không muốn bán cho N. nên khi N. gọi, anh này không thèm trả lời!; sẵn bực chuyện gia đình, N. nóng nảy đập vỡ mấy chai nước ngọt và ném một chai vào tiệm. Nhờ vậy, chủ tiệm mới chịu chạy ra, la hỏi. Thấy N. đang cầm chai, chủ tiệm đã lấy cây sắt gần đó vụt vào chiếc chai N. cầm. Cơn giận bốc lên, N. xông tới kẹp cổ và đâm chai vào người anh này. Bị cáo chỉ vô ý nóng nảy đánh bị hại (!) Nhưng chiếc chai bị cáo dùng đâm vào người chủ tiệm thuốc lá chỉ là… chai nhựa!.

 
Vị chủ tọa truy: Hiện trường để lại toàn mảnh vỡ của chai thủy tinh, không hề có chai nhựa. Các dấu vết tại hiện trường đều được thu thập hợp pháp. Thương tích 28% của bị hại được xác định thông qua giám định của cơ quan chuyên môn, cơ quan tiến hành tố tụng không tự xác định được. Khi mổ vết thương cho bị hại, các bác sĩ còn thấy trong ổ bụng bị cắm nhiều mảnh vỡ thủy tinh. Trên cổ bị hại cũng hằn rõ vết thương hình đáy chai…


Dù vậy, bị cáo N. vẫn một mực “tôi không làm, tôi không biết!” và cố cãi: Bị cáo đâu được tận mắt thấy mảnh thủy tinh găm trong người bị hại! Làm sao biết được mấy mảnh thủy tinh đó có thực sự cắm trong người bị hại? Nhưng nếu thực sự có mảnh thủy tinh cắm vào người thì bị hại chỉ có chết, làm sao sống nổi! Biết đâu bị hại tạo hiện trường giả, tự gây ra các vết thương đó!.


Đại diện viện kiểm sát và chủ tọa nghiêm nghị: Rất may do các vết thương không trúng vùng nguy hiểm nên không dẫn tới hậu quả chết người. Sự việc xảy ra có rất nhiều nhân chứng chứng kiến. Lời khai của họ đều thống nhất. Giữa bị hại và bị cáo vốn không thù oán, không có lý do gì để bị hại tự gây thương tích rồi đổ tội cho bị cáo.


Nhưng bị cáo N. vẫn lắc đầu: Bị cáo không biết tại sao bị hại có những vết thương đó; bị cáo chỉ đánh bị hại 1 cái vào cổ; bị cáo dùng chai nhựa… Sau khi trả lời nhiều câu qua quýt, cuối cùng bị cáo N. cũng “thừa nhận” một vài nội dung: đúng là có từ chối nhận cáo trạng; từ chối nghe đọc cáo trạng; từ chối ký vào biên bản giao nhận cáo trạng; bản thân bị thương là do bị hại gây ra nhưng bị cáo đã từ chối giám định và không yêu cầu khởi tố. Nhưng rồi N. lại cho rằng: Bị cáo không nhận cáo trạng bởi bị cáo vô tội (!).   Bị cáo cũng không muốn nghe kiểm sát viên đọc cáo trạng bởi kiểm sát viên đọc không thể khách quan! N. còn cho rằng cả cơ quan điều tra cũng làm việc không khách quan với bị cáo, nhưng không dẫn chứng được. Chỉ khi kiểm sát viên hỏi về việc phạm nhân đang chấp hành án đọc cho bị cáo nghe đã đủ khách quan, bị cáo mới im lặng,  


Phút chờ nghị án, một người ở gần nhà bị cáo cho biết, cha mẹ N. đã chết, N. sa đà nghiện ngập, từng bị đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc 2 năm. Hàng xóm quanh đó không ít lần chứng kiến N. quậy phá khi phê thuốc. Không chịu nổi người chồng nghiện ngập, người vợ đầu bỏ đi, người sau cũng bỏ đi tiếp. Có lần, N. dùng ma túy xong còn hoang tưởng, xông vào nhà người dân đập phá, hò hét đòi… trả vợ. Khi công an mời lên làm việc, N. tự gây thương tích rồi la lối công an đánh mình.


Sống cù nhầy với người thân lẫn người ngoài, khi hầu tòa thì cãi cùn, vì vậy, gần 50 tuổi nhưng bị cáo N. chưa gây dựng được chút niềm tin nào của mọi người. Thật đáng tiếc!


TAM THUẬT