01:12, 02/12/2019

Vụ tranh chấp đất đai ở Cam Ranh: Lúng túng trong giải quyết

Bị người cháu rào chiếm đất, người chú kiện đòi bỏ hàng rào và trả lại hiện trạng đất ban đầu. Chính quyền đã giải quyết và phần thắng kiện thuộc người chú nhưng người cháu kiện quyết định này. Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy quyết định hành chính với lý do người dân chỉ kiện cái hàng rào, sao chính quyền lại giải quyết tranh chấp đất?

Bị người cháu rào chiếm đất, người chú kiện đòi bỏ hàng rào và trả lại hiện trạng đất ban đầu. Chính quyền đã giải quyết và phần thắng kiện thuộc người chú nhưng người cháu kiện quyết định này. Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy quyết định hành chính với lý do người dân chỉ kiện cái hàng rào, sao chính quyền lại giải quyết tranh chấp đất?


Hủy án vì giải quyết vượt quá yêu cầu (?!)


Vợ chồng cụ Lê Cầm và Trần Thị Huê có 8 con, trong đó, ông Lê Văn Sáu là con trưởng, ông Lê Thanh Tài và Lê Văn Giốc là con thứ. Năm 1965, hai cụ khai hoang khoảng 4.000m2 tại thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) và được chính quyền cũ thị thực. Năm 1979, đất được đưa vào hợp tác xã (HTX) quản lý. Năm 1981, cụ Cầm chết không để lại di chúc. Năm 1992, HTX giải thể, một số hộ trở về nguyên canh. Ông Sáu sử dụng phần đất trên (xác lập lại thành thửa 65, 66) và sống với cụ Huê. Sau đó, 8 anh em đồng thuận phân chia thửa 66. Tranh chấp liên quan đến thửa 65 (sau này gồm các thửa: 226, 227, 228 và 229).

 

Nhà ông Hải trên thửa 227 cùng thửa 228 liền kề đã rào kín.

Nhà ông Hải trên thửa 227 cùng thửa 228 liền kề đã rào kín.


Năm 2015, ông Lê Thanh Hải (con ông Giốc) rào cả thửa 227 và 228 vì cho rằng đều là đất của ông. Ông Tài gửi đơn kiện tranh chấp ranh giới hàng rào tới UBND TP. Cam Ranh. Năm 2016, UBND TP. Cam Ranh ra quyết định công nhận đơn của ông Tài tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại thửa 228 với ông Hải; sau đó có quyết định điều chỉnh, công nhận thửa 228 thuộc QSDĐ của ông Tài; ông Hải tự ý rào lấn chiếm thửa đất trên và tranh chấp với ông Tài là trái quy định. Ông Hải khởi kiện đòi hủy quyết định. Năm 2018, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xét xử sơ thẩm, bác yêu cầu của ông Hải. Ông Hải kháng cáo.


Tháng 4-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu của ông Hải, sửa bản án sơ thẩm, hủy 2 quyết định của UBND TP. Cam Ranh với lý do: Đơn của ông Tài chỉ đề nghị xem xét buộc ông Hải tháo dỡ hàng rào, trả lại hiện trạng đất ban đầu, nhưng UBND TP. Cam Ranh giải quyết tranh chấp QSDĐ là vượt quá yêu cầu của đương sự (?!).


Chính quyền lúng túng


Tuy nhiên, một số nội dung trong bản án trên chưa rõ ràng, khiến người dân, chính quyền lúng túng. Theo đó, cấp phúc thẩm nhận định, cụ Huê có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của chế độ cũ cấp. Ông Hải có Giấy cho đất gia cư năm 1999 của cụ Huê; thể hiện việc sử dụng đất của ông Hải là ngay tình, công khai theo ý chí của cụ Huê. Thực tế, trên thửa 65 cũ chỉ có ông Trương Văn Cư (cháu), ông Hải và ông Sáu đang sử dụng. Phần đất của ông Cư không tranh chấp, phần đất của ông Sáu là diện tích đã di dời 6 ngôi mộ. Bản án nhấn mạnh, ông Hải đang sử dụng thửa 227 và 228, xây nhà ở, bờ kè, chuồng gà, các công trình phụ khác từ năm 2000, là người đang sử dụng đất trước ngày 1-7-2004. Theo Luật Đất đai, ông Hải mới là người có căn cứ sử dụng thửa 65 cũ, cùng ông Sáu, ông Cư.


Nhưng theo ông Tài, năm 2006, ông sử dụng thửa 228; ông Hải cất nhà trên thửa 227 và được ông cho mượn thửa 228 làm chuồng bò; ông nợ 1 triệu đồng tiền đổ đất. Năm 2013, ông đòi lại đất, ông Hải dỡ chuồng bò. Năm sau, ông định bán thửa 228 thì ông Hải đòi tiền đổ đất thành 3 triệu đồng, ông không đồng ý. Hôm sau, ông Hải rào sang đất của ông. Sự việc được UBND xã lập biên bản đình chỉ, buộc ông Hải tháo dỡ hàng rào. Sau này, ông Hải mới xuất trình Giấy cho đất gia cư của cụ Huê.


Trong quá trình tham gia tố tụng, ông Tài và bà Lê Thị Tâm (con cụ Huê) đều nói không ký tên vào Giấy cho đất gia cư. Các con cụ Huê đều thừa nhận, đất do cha mẹ họ khai hoang, đã đưa vào HTX. Khi HTX giải thể, ông Sáu chiếm lại đất canh tác đến năm 1999. Theo ông Sáu, năm 2006, anh chị em đồng thuận chia đất, riêng thửa 65 cũ thống nhất chia cho ông, ông Tài và cha ông Hải. Cha ông Hải lại nêu, con ông được bà nội cho đất (phần đang tranh chấp) và cất nhà ở từ năm 2006.  


Theo xác nhận của UBND xã Cam Thịnh Đông, năm 1999, cụ Huê lập giấy cho đất nhưng ông Sáu không đồng ý, không ký tên. Sau đó, các con cụ Huê tự thỏa thuận phân chia. Phần đất có mộ, đến năm 2006 mới chuyển mộ đi và thỏa thuận chia thành 3 thửa: 227, 228, 229. Nhà ông Hải nằm trên thửa 227. Từ trước đến nay, ông Hải không đăng ký, kê khai thửa 228, không xây nhà trên thửa này. Năm 2014, UBND xã kiểm tra thì trên đất tranh chấp có tài sản của ông Hải nhưng không có nhà ở.


Ngoài ra, trong cả 2 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ (GCN) thửa 229 của ông Sáu và thửa 227 của ông Hải vào năm 2007, ông Tài đều ký giáp ranh với tư cách chủ sử dụng liền kề. Hiện nay, hồ sơ của ông Sáu đã được cấp GCN, không ai tranh chấp. Trong hồ sơ xin cấp GCN, ông Hải cũng chỉ kê khai thửa 227. 3 chủ sử dụng đất đã được chính quyền bồi thường do thu hồi một phần thửa 227, 228, 229 để thực hiện dự án lần lượt là ông Hải, ông Tài và con ông Sáu.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, địa phương đã nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp QSDĐ của ông Tài đối với ông Hải và đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu xử lý việc thụ lý đơn. Tuy nhiên, UBND thành phố đang lúng túng vì cấp phúc thẩm nhận định: “Trong trường hợp đương sự tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì thuộc thẩm quyền của tòa án... không cần thiết đề nghị cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền giải quyết lại sự việc”.


Vì nhận định “giải quyết vượt quá” của cấp phúc thẩm, ông Tài phải đâm đơn lần 2, nêu rõ ràng yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, thay vì chỉ yêu cầu tháo dỡ hàng rào, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Trong khi đó, chính quyền cơ sở lại băn khoăn về thẩm quyền nên yêu cầu của công dân chậm được thụ lý giải quyết.


N. BÌNH